Tự ý mua kháng sinh, mẹ Việt âm thầm làm hại con Không ít bố mẹ khi thấy con sốt, ho, sổ mũi liền tự mua kháng sinh cho con uống. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan, không cần có đơn của bác sĩ... là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của một số loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có, thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong đối với trẻ. Thói quen cứ ốm là kháng sinh Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư ngày nào cũng tấp nập trẻ con được đưa tới khám. Câu đầu tiên các bác sĩ thường hỏi bố mẹ, bệnh đã sử dụng thuốc gì trước khi đưa con tới viện chưa. Câu trả lời của không ít người là đã tự ý mua một loại thuốc kháng sinh nào đó nhưng (không hiểu sao, tất nhiên!) không đỡ...
Tình trạng của chị H cũng là tình trạng chung của nhiều bà mẹ có con nhỏ, hễ cứ thấy con ho, viêm họng, sổ mũi là cho con uống kháng sinh mà không cần biết kháng sinh đó có phù hợp với bệnh của con hay không và bệnh đó có nhất thiết phải uống kháng sinh hay không. Chính việc các bà mẹ tự ý làm bác sĩ, đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe cho trẻ. Theo BS Phạm Thị Ngọc Lan (Khoa Khám bệnh, BV Nhi TW): "Một điều rất đáng báo động hiện nay là việc các bà mẹ lên mạng học theo các chữa bệnh, hoặc ra quầy thuốc kể bệnh rồi lấy thuốc về cho con uống, điều này hết sức nguy hiểm, sẽ dẫn đến việc bệnh của trẻ lai rai lâu không khỏi, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh", BS Lan cảnh báo. Cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh Kháng sinh là loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Nó chỉ được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn nhằm chống lại mầm bệnh đó. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Kháng sinh là con dao 2 lưỡi, dùng đúng khỏi bệnh, dùng sai không những không khỏi bệnh mà khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Việc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng, nghiêm trọng hơn là gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong; gây rối loạn tiêu hóa và tác hại đáng nguy hiểm hơn cả là dẫn đến tình trạng "kháng kháng sinh". PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Kháng kháng sinh có nghĩa là thay vì giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh không đúng liều, không đúng thời gian, không đúng bệnh "giúp" vi khuẩn nhận ra những điểm yếu của kháng sinh và dần dần chúng trở nên bất trị. Việc uống thuốc và ngưng thuốc tùy tiện sẽ làm tăng tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc làm cho quá trình điều trị sẽ không hiệu quả và bệnh càng nặng hơn. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp. Theo PGS.TS Dũng: Đối với các bệnh nhẹ hoặc những triệu chứng thông thường chỉ ho, chỉ sổ mũi, nổi một vài nốt ban... cha mẹ hoàn toàn có thể ra hiệu thuốc để mua thuốc cho con tạo sự tiện lợi cho gia đình và cũng giảm thiểu gánh nặng cho bệnh viện. Tuy nhiên trong những trường hợp này dược sĩ cũng chỉ được bán những loại thuốc OTC (thuốc không cần đơn của bác sĩ). Nhưng các loại kháng sinh hoàn toàn không được, đặc biệt là những loại kháng sinh dùng đường uống, đường tiêm. Khi trẻ cố những triệu chứng mắc bệnh do vi khuẩn như sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, ăn kém, không chịu chơi ngay cả khi đỡ sốt cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, theo dõi phát hiện dấu hiệu bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc hợp lý. Khi trẻ đã mắc bệnh, cha mẹ hãy bình tĩnh đưa con đi khám và tuân thủ điều trị, nên thông báo cho bác sỹ điều trị tiền sử bệnh và lịch sử dùng thuốc kháng sinh của trẻ để bác sỹ cân nhắc thêm khi kê đơn. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh cho con trong bất kỳ trường hợp nào. Khi trẻ mới chớm những dấu hiệu của bệnh, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp vệ sinh mũi, miệng, họng cho con bằng nước muối sinh lý, hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng bất kỳ thuốc gì. Theo Kim Oanh (Khám phá)
|