Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nếu chưa dạy con tự làm việc này, nguy cơ trẻ bị xâm hại cơ thể sẽ rất cao


Có một kĩ năng rất cần thiết và có thể nói là quan trọng bậc nhất bạn cần phải dạy con thật cẩn thận để trẻ không bị rơi vào các tình huống có nguy cơ cao bị xâm hại cơ thể.


Thời gian gần đây, những thông tin liên tiếp về các vụ xâm hại tình dục trẻ em cùng các con số đáng báo động khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Để bảo vệ con và giúp con biết cách tự bảo vệ mình, có rất nhiều nguyên tắc an toàn đã được chia sẻ, giới thiệu để bố mẹ tham khảo và dạy con, tuy nhiên, có một kĩ năng vô cùng quan trọng, giúp trẻ ngay từ nhỏ đã có thể chủ động tránh được nguy cơ bị lạm dụng cơ thể nhưng lại không được các bố mẹ chú ý đến, đó là kĩ năng tự vệ sinh thân thể, đặc biệt là tự vệ sinh vùng kín.

Để dạy con kĩ năng tự vệ sinh thân thể, trước hết bố mẹ cần dạy con tìm hiểu về cơ thể mình. Việc dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể mình có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, thậm chí từ lúc lọt lòng. Bố mẹ có thể dạy con nhận biết các bộ phận của cơ thể mình bằng cách nói với con tên của bộ phận khi chăm sóc (vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo...) hoặc khi chơi đùa với trẻ. Điều này thực sự vô cùng quan trọng, bởi đó cũng chính là cách giúp bố mẹ có những tương tác ý nghĩa với con, giúp con phát triển hoàn thiện hơn cả về cảm xúc và trí tuệ. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể dùng các tranh ảnh, mô hình cơ thể người để dạy con về các bộ phận trên cơ thể.

Một lưu ý đặc biệt quan trọng khi dạy con về các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là cách gọi tên vùng kín và vùng riêng tư được tác giả Jayneen Sanders lưu ý với cha mẹ trog cuốn sách "An toàn cho con yêu", đó là hãy dạy con gọi tên bộ phận cơ thể thật chính xác, ví dụ: ngón chân, mũi, má, đôi mắt, cánh tay, cẳng chân, đùi... Đừng dùng từ khác hay những cách gọi đáng yêu thay thế khi dạy con về các bộ phận trên cơ thể mình. Theo Jayneen Sanders, "cả bé trai lẫn bé gái đều nên biết tên chính xác của các bộ phận sinh dục từ khi rất nhỏ. Hãy cho con biết: miệng, dương vật, âm đạo, mông, ngực và núm vú là những vùng riêng tư và vùng kín".

Khi con đã hiểu và ý thức rõ về các bộ phận trên cơ thể mình cũng như các giới hạn riêng tư và an toàn đối với các bộ phận đó, việc dạy con cách tự vệ sinh thân thể sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Dưới đây là một số chỉ dẫn giúp bố mẹ dạy con tự vệ sinh cơ thể đúng cách theo từng độ tuổi của con.

Trẻ 2 tuổi: Tự xì mũi

Để dạy trẻ tự xì mũi, bố mẹ hãy hướng dẫn con thổi hơi ra bằng miệng giống như là đang thổi nến vào ngày sinh nhật. Sau đó, nhắc con ngậm môi lại rồi thổi hơi ra bằng mũi. Giáo sư vật lý trị liệu Rallie McAllister, đồng tác giả cuốn sách "The Mommy MD Guide to the Toddler Years" chia sẻ mẹo nhỏ này với các phụ huynh.

Trẻ 3 tuổi: Tự chùi, rửa mông

Bố mẹ cần dạy trẻ kĩ năng này cùng lúc với thời điểm trẻ học cách tự đi vệ sinh bên cạnh việc hỗ trợ trẻ thực hiện.

Bố mẹ cần dạy trẻ kĩ năng rửa sạch và lau khô khi rửa tay, tắm rửa và đi vệ sinh.

Rửa tay: Dạy con rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị đồ ăn; sau khi đi vệ sinh, chơi đùa, sờ chạm vào động vật hoặc đồ vật bẩn.

Tắm rửa: Đây là việc làm giúp cơ thể trẻ sạch sẽ và khỏe mạnh. Giờ đi tắm sẽ trở nên vui vẻ hơn với một số trò chơi thú vị với đồ chơi. Khi trẻ dưới 6 tuổi, cho dù có dạy con tự tắm thì bố mẹ cũng không bao giờ được để con một mình trong phòng tắm, đặc biệt khi trẻ tắm bồn.

Vệ sinh vùng kín: Khi làm sạch âm đạo cho con hoặc hướng dẫn con cách tự làm sạch âm đạo, hãy luôn nhắc con và dạy con cách lau, chùi từ phía trước ra phía sau. Các bé trai có thể tự rửa hoặc lau dương vật, vùng bìu của mình như các bộ phận khác của cơ thể. Hãy dạy các bé trai cách làm sạch thường xuyên đầu dương vật của mình, không cần phải rửa phần dưới bao quy đầu (nếu phần bao quy đầu của bé đã tụt xuống).
Khi trẻ đi ị và cần vệ sinh phần mông đít, trước hết hãy dạy trẻ cách xé và gập giấy vệ sinh. Khi dạy trẻ chùi mông, hãy luôn nhắc trẻ đưa giấy chùi từ phía trước ra phía sau.

Trẻ 6 tuổi: Tự tắm

Một số trẻ đã có ý thức rất rõ về sự riêng tư cơ thể vào độ tuổi này. Phần lớn trẻ 5,6 tuổi đều đã có thể tự tắm sạch sẽ. Hãy để sữa tắm, xà phòng và các dụng cụ cần thiết ở những vị trí an toàn và vừa tầm với của trẻ để đảm bảo an toàn cho con.

Chuẩn bị một chiếc khăn tắm to để trẻ lau khô cơ thể sau khi tắm vừa giúp trẻ giữ ấm cơ thể vừa tránh nguy cơ bị viêm da do ẩm ướt.

Theo Happy Moms / Trí Thức Trẻ