Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phụ nữ mang thai bị thủy đậu con sinh ra có thể bị tật đầu nhỏ, tâm thần


Đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị dạng bào thai ở sọ, da hoặc các bất thường khác về mắt, thần kinh, tay chân ngắn...

Bệnh thủy đậu (dân gian thường gọi là trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoter gây ra với biến chứng viêm màng não, viêm tủy, giảm tiểu cầu, viêm phổi... Bệnh lây nhiễm và các biến chứng có thể gây ảnh hưởng bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào có thể diễn biến nặng, tử vong.
Theo bác sĩ Lê Xuân Hòa, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị dạng bào thai ở sọ, da hoặc các bất thường khác về mắt, thần kinh, tay chân ngắn...
Bệnh thủy đậu bắt đầu xuất hiện trong 1-2 ngày đầu với các triệu chứng như: sốt cao, người mệt mỏi, đau đầu, ăn không ngon...

Phụ nữ mắc bệnh thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị dạng bào thai ở sọ, da hoặc các bất thường khác - Ảnh minh họa

Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu là nốt phát ban dạng mụn nước chứa dịch lỏng, theo thời gian dịch khô dần và đóng vảy. Bệnh thường kéo dài 5 -10 ngày.
Virus thủy đậu có tính lây nhiễm cao từ người bệnh sang người lành. Virus lây lan trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, khi chạm vào hoặc hít thở phải virus từ mụn nước thủy đậu.
Tỷ lệ lây nhiễm bệnh thủy đậu cao thường gặp anh chị em trong cùng một gia đình, giữa các bệnh nhân nằm chung phòng, gây thành dịch đối với học sinh cùng lớp học...
Tại bệnh viện Từ Dũ, hàng năm với hơn 70.000 trường hợp đến khám thai, trong đó có một số không nhỏ thai phụ bệnh thủy đậu. Nhiều nghiên cứu khác nhau xác định tần suất mắc bệnh thủy đậu lần đầu tiên trong thai kỳ khoảng 5/10.000 - 7/10000, bởi vì hầu hết các thai phụ đã từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc đã được chủng ngừa trước đó.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Khoa khám bệnh, bệnh viện Từ Dũ, đối với những thai phụ mắc bệnh thủy đậu lần đầu tiên khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai.
Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 - 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.
Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm.
Đối với phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân cũng như thai nhi.
Để phòng bệnh thủy đậu, phụ nữ nên tiêm chủng ngừa bệnh thủy đậu khi còn bé hoặc ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Khi mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh thân thể tốt.
Khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, bệnh thủy đậu không chích ngừa cho những đối tượng:
- Đang sốt hoặc suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch tế bào.
- Bị bệnh về tim mạch, rối loạn chức năng gan thận.
- Đang có thai hoặc hai tháng trước khi định có thai.
- Đã tiêm phòng các vắc xin sống khác như vắc xin bại liệt, Sởi, Rubella, Quai bị...
- Trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Theo Văn Luận (Khám Phá)