Hàng ngàn con em của công nhân ở các KCN, KCX TP.HCM được học trong những ngôi trường mầm non khang trang, đẹp đẽ do chính quyền TP đầu tư xây dựng.
"Xưa nay công nhân trong xóm toàn gom năm bảy trẻ rồi gửi ở nhóm giữ trẻ tư nhân gần nhà, giờ thì chúng tôi yên tâm con đã có trường lớp học".
Anh Tấn Quý, công nhân khu chế xuất (KCX) Linh Trung 2, vui mừng nói trong ngày đầu tiên đưa con đến trường.
Sau thời gian dài chờ đợi, các trường mầm non (MN) tại khu công nghiệp (KCN) - KCX ở TP.HCM lần lượt được khánh thành để hàng ngàn con em công nhân kịp đón năm học mới 2016-2017. Mới đây nhất, ngày 19-8, quận Thủ Đức có hai trường MN là Hoa Đào và Hoàng Yến đã làm lễ khánh thành.
Có trường là cả nhà vui
Từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Thu (70 tuổi) dắt hai cháu nhỏ đến Trường MN Hoa Đào (KCX Linh Trung 1, phường Linh Xuân) để xem khánh thành và ngắm nghía phòng ốc, khu trò chơi. Bà khoe cháu gái năm tuổi của bà từ nay đã được học trường mới. Ba mẹ của hai cháu làm công nhân trong KCX Linh Trung 1. Một bé đã học tiểu học và bé này năm tới học lớp lá. "Hai vợ chồng làm việc trong KCX 15 năm rồi nhưng lo việc đi học cho các con cực lắm. Cháu đầu trước đây phải học ở trường MN tư thục quá tốn kém nhưng phải bấm bụng gửi. Đến đứa sau mà học trường tư nữa thì không lo xuể, tính chờ vào lớp 1 rồi đi học luôn. Mừng quá, giờ đã có trường rồi!" - bà Thu phấn khởi.
Tại Trường MN Hoàng Yến (KCX Linh Trung 2, phường Linh Trung), bên cạnh không khí tưng bừng trong ngày khánh thành, nhiều trẻ nhỏ là con em công nhân cũng xúng xính váy áo đẹp cùng ba mẹ đến trường.
Anh Bùi Minh Việt, công nhân giày da trong KCX Linh Trung 2, cho hay con anh hai tuổi vừa được nhận vào trường. Nhiều gia đình trong khu nhà trọ của anh ngay phía sau trường cũng có con vào trường học. "Dù trường làm lễ khánh thành vào thứ Sáu nhưng mấy công nhân trong khu trọ đều tranh thủ nghỉ làm ca ngày để đưa con đến trường" - anh Việt hồ hởi.
Trước đó, Trường MN KCX Tân Thuận (quận 7) và MN Đỗ Quyên (quận Bình Tân) cũng đã bắt đầu tuyển sinh cho năm học mới.
Chị Nguyễn Minh Ngọc, làm việc tại KCX Tân Thuận, cho hay khi biết trường được xây ngay gần công ty mọi người vui lắm. Những ngày sắp khánh thành, nhiều người lo vì trường thông báo chỉ nhận hơn 500 trẻ trong khi ở KCX có hàng ngàn trẻ tuổi MN. Vì thế, ngày bắt đầu nộp hồ sơ ai cũng tranh thủ đến thật sớm. Nhiều người xin đổi ca hoặc phải nghỉ việc để đến trường làm hồ sơ cho con vào học.
Phụ huynh cùng các con đến trường vui chơi trong ngày khánh thành Trường Mầm non Hoàng Yến. Ảnh: P.ANH
Nhận giữ trẻ đến 18 giờ 30 mỗi ngày
Nói về việc tuyển sinh của hai trường MN mới, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, cho biết để trường tuyển sinh đúng đối tượng và không xảy ra tình trạng xếp hàng mua hồ sơ, phòng đã phối hợp với công đoàn hai KCX Linh Trung 1 và 2 để phát hồ sơ đến tận tay người lao động. Công đoàn nắm rõ và chọn những gia đình có trẻ theo đúng chỉ tiêu từng nhóm lớp, ưu tiên những người khó khăn về chỗ gửi con. Hiện tại, công tác tuyển sinh cơ bản đã hoàn tất. Quận đang rốt ráo tuyển mới 36 giáo viên và điều động gần 60 giáo viên từ các trường MN khác để kịp khai giảng.
Chị Lê Thị Thắm, công nhân may mặc trong KCX Linh Trung 2, không giấu được niềm vui khi con gái bốn tuổi của chị được vào học tại trường. "Thấy ấm lòng lắm. Nhà trường còn thông báo giữ trẻ đến tận chiều tối và cả thứ Bảy nữa thì còn gì bằng. Trước giờ ngày nào cũng đến 16 giờ là lật đật gọi điện thoại nhờ hàng xóm đi đón con giùm hoặc năn nỉ cô giáo giữ giùm thêm giờ thôi" - chị Thắm chia sẻ.
Theo bà Thúy Nga, đây là hai trường được quận chọn thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ cho 12 lớp mẫu giáo (mỗi trường sáu lớp). Mỗi ngày giáo viên luân phiên nhau giữ trẻ đến 18 giờ 30 và không thu thêm phí, giáo viên sẽ được hỗ trợ phụ cấp theo quy định. Các lớp này cũng được giữ thêm thứ Bảy nhưng có thu phí.
"Chủ trương của TP chỉ thí điểm nhận trẻ đến 17 giờ 30 nhưng do công nhân tại hai KCX này lại làm việc đến 18 giờ 30 mới tan ca nên UBND quận đồng ý cho trường tăng thêm thời gian giữ trẻ. Vì đang thí điểm nên quận vừa làm vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh dần. Riêng các khoản thu, sẽ cố gắng để phù hợp với điều kiện đời sống công nhân. Trước mắt, mức phí vẫn giữ như năm trước, hơn 1 triệu đồng/tháng" - bà Nga nói.
Nhân rộng việc giữ trẻ 6-18 tháng tuổi
Năm học 2016-2017, TP sẽ nhân rộng giữ trẻ 6-18 tháng tuổi đến 24 quận, huyện, tập trung nhiều ở các địa bàn đông công nhân và người lao động. Sở cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại KCN-KCX trên địa bàn TP từ năm 2016 đến năm 2020. Hiện TP sẽ thực hiện thí điểm tại ba trường MN gồm MN 30-4 (quận Bình Tân), MN tại KCX Linh Trung 1 và MN tại KCX Linh Trung 2 (Thủ Đức). Các trường sẽ nhận giữ trẻ đến 17 giờ 30 hằng ngày và thứ Bảy hằng tuần. Trong năm học tiếp theo nữa, TP sẽ triển khai thực hiện thêm chương trình này tại KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi). Sau đó Sở sẽ rút kinh nghiệm để từng bước nhân rộng mô hình này từ năm học 2018-2019.
Ông LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
TP.HCM có tổng cộng 15 KCN-KCX với hơn 270.000 công nhân đang làm việc trong 1.280 doanh nghiệp, hơn một nửa là nữ. Đến nay, TP đã có 20 dự án đầu tư xây dựng trường MN nằm trong hoặc liền kề các KCN-KCX, dự kiến đáp ứng cho hơn 5.500 trẻ em. 10 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô đáp ứng hơn 3.500 trẻ, sáu dự án đang trong quá trình thực hiện và bốn dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng. Trong đó có sáu dự án trường MN được xây dựng theo nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng khoảng 2.000 trẻ, gồm các trường tại KCN Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Tân Tạo, Bình Chiểu và KCX Linh Trung 2. Còn lại là các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách.
(Báo cáo của Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM)
Theo GD&TĐ