Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nâng cao chất lượng giáo viên mầm non


Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch xây dựng đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non (MN) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục MN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025". Đây là một phần nỗ lực không nhỏ từ phía cơ quan quản lý ngành trong tạo điều kiện, động lực để đội ngũ giáo viên (GV) MN ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


Chưa đủ giáo viên

Tính đến hết năm học 2015-2016, cả nước có gần 15 nghìn trường MN, tăng hơn 300 trường so với cùng kỳ năm học trước. Trong đó, quy mô giáo dục MN của Hà Nội là 1.012 trường, tăng 45 trường. Hà Nội cũng nằm trong tốp đầu các địa phương có sự gia tăng mạnh về số lượng trường MN trong năm học vừa qua. Sự gia tăng về quy mô trường lớp kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ, GVMN trong năm học 2015-2016 với 470 nghìn người, tăng 28 nghìn người so với năm học trước.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa


Với đặc thù của ngành học, trong đó có yêu cầu phải chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở độ tuổi rất nhỏ, nguy cơ xảy ra sự cố là khó lường nên việc bảo đảm định mức GV/lớp là yêu cầu cấp thiết. Theo tính toán của Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT, năm học 2015-2016 vừa qua, tỷ lệ GV/lớp ở cấp MN đạt mức 1,76, tăng 0,06% so với năm học trước. Dù mức độ tăng vẫn còn khiêm tốn, song rõ ràng, với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô trường lớp như hiện nay thì đây là sự chuyển biến đáng kể, góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng công tác chăm sóc trẻ.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục MN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" không chỉ là đáp ứng nhiệm vụ cấp học, mà còn xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của cuộc sống. Để có căn cứ thực tế cho việc xây dựng đề án, trong tháng 7 này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khảo sát thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng GVMN tại cơ sở. Việc bảo đảm định mức GV/lớp là thông tin cần rà soát, cũng là đầu việc quan trọng của đề án.


Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy, đây là phần việc không đơn giản, thậm chí như mối băn khoăn của không ít cán bộ quản lý ngành, thì với áp lực như hiện nay có lẽ không có nhiều sinh viên mặn mà với ngành học này, khiến cho việc bổ sung nhân lực có nguy cơ gặp khó. Theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, ngày 16-3-2015, quy định "Danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục MN công lập" thì định mức GV được quy định là 2,5 GV/nhóm trẻ; 2,2 GV/lớp mẫu giáo học 2 buổi ngày. So với tỷ lệ hiện tại, đây là sự cách biệt đáng lưu tâm.


Thiếu chế độ chính sách tương xứng

Một trong những mục tiêu, cũng là giải pháp được đặt ra trong định hướng xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GVMN giai đoạn 2016-2020 là nâng cao năng lực nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và đạo đức nhà giáo. Đây là những yếu tố không thể tách rời đối với mỗi GV nói chung và với GVMN nói riêng. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội từng chia sẻ rằng, một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng bạo lực đối với trẻ MN xảy ra thường xuyên trong thời gian qua là sự thiếu hụt trong khâu đào tạo, bồi dưỡng. GV được đào tạo bài bản, khoa học sẽ khó để xảy ra tình trạng mất kiểm soát dẫn đến cách hành xử tiêu cực.


Kinh nghiệm của Hà Nội trong triển khai công tác bồi dưỡng là xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho 100% GV; nội dung bồi dưỡng được xác định hằng năm, theo sát yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2016 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai kế hoạch này, nội dung bồi dưỡng trọng tâm là kỹ năng lập kế hoạch giáo dục, giúp GV giảm tải thời gian, áp lực lao động. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn theo chuyên đề cũng bước đầu được triển khai nhằm củng cố cả về kiến thức, phương pháp và kỹ năng sư phạm. Theo lộ trình, trong 4 năm, tất cả GV đều được bồi dưỡng lại một lần nhằm trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin chuyên sâu cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.


Việc tăng cường trách nhiệm gắn với tạo động lực cho đội ngũ GVMN đã được xác định trong mục tiêu của một đề án do Bộ GD-ĐT đang xây dựng. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu này không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu được thực hiện chế độ đãi ngộ theo đúng quy định. Theo quy định tại Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 25-10-2011, số giờ dạy trên lớp của GVMN là 6 tiếng/ngày. Tuy nhiên, sau 6 năm ban hành, đây vẫn chỉ là mơ ước của đội ngũ này. Trong điều kiện quy mô trường lớp hạn chế, số lượng trẻ được huy động ra lớp ngày càng tăng, để khỏa lấp phần nào những trăn trở, lo toan trong cuộc sống của GV, vài năm gần đây, Hà Nội đã tạo điều kiện cho GVMN hợp đồng được hưởng lương, phụ cấp như viên chức nhà nước. Một số đơn vị, như quận Cầu Giấy, đã áp dụng chế độ làm thêm giờ cho GVMN với mức tối đa 200 giờ/năm; quận Long Biên hỗ trợ 50% mức lương cơ bản/tháng cho GV hợp đồng có hệ số lương dưới 2,0; Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh có chế độ khen thưởng bằng tiền mặt (từ 50 nghìn đến 300 nghìn đồng/tháng/người) cho GV đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua...


Rõ ràng, từ thực tế cuộc sống, có thể thấy giải pháp cấp thiết hiện nay vẫn là làm sao để những quy định liên quan đến chế độ, chính sách của GVMN không còn nằm trên giấy. Như vậy thì mới mong đội ngũ này có những bước chuyển mạnh về chất lượng.


Theo HNM