Theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, hiện nay, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn tình trạng thiếu trường mầm non khiến đa số trẻ phải học ở các nhóm lớp nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, nhiều giáo viên mầm non trên toàn quốc chưa đáp ứng được yêu cầu của dạy học.
ảnh: Nhiều nơi vẫn thiếu trường mầm non, sĩ số trẻ/ lớp cao
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, bậc giáo dục mầm non đạt nhiều thành tựu trong đó phải kể đến việc mở rộng hệ thống mạng lưới trường lớp (xây thêm 313 trường).
Tỉ lệ huy động trẻ đến trường vượt kế hoạch đề ra, cơ sở vật chất, thiết bị đồ chơi được đầu tư mua mới hàng chục tỉ đồng. Toàn quốc hiện có 13,5 nghìn trường có bếp ăn bán trú đạt 92,3%. Các địa phương đầu tư xây dựng trường mầm non, riêng trường chuẩn quốc gia năm qua tăng gần 600.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận ở các thành phố lớn cũng như các khu đô thị, khu công nghiệp mạng lưới trường lớp hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động. Chất lượng chăm sóc trẻ ở các địa phương chưa đồng đều.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bà Bùi Thị Diễm Thu cho hay, thành phố hiện có 8 triệu dân, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 65.000 trẻ. Đặc biệt, năm 2015-2016 số trẻ tăng tới con số 85.000. Thành phố có nhiều chính sách xây dựng trường lớp nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Năm 2015, tại các khu chế xuất, TP Hồ Chí Minh xây dựng 20 dự án trường mầm non dự kiến đáp ứng chỗ học cho khoảng gần 8.000 trẻ.
Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện các dự án gặp vướng mắc đủ đường nên sau gần một năm xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. "Quy định ghi khu chế xuất, khu công nghiệp không có cư dân sinh sống nên không có quỹ đất để xây nhà trẻ. Khi có được quỹ đất để xây lại vướng nhiều thủ tục pháp lý kéo dài thời gian", bà Thu nói. Để có chỗ học đảm bảo, trước mắt TP Hồ Chí Minh đã cải tại nhiều nhà lưu trú của trẻ trước đây thành trường lớp để công nhân gửi con.
Tương tự, ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ sự trăn trở về giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi địa phương có nhiều nhóm lớp nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung nhiều công nhân sinh sống. Không có quỹ đất xây trường nơi trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lớp nhỏ lẻ mọc lên.
Điều kiện chăm sóc, giáo dục, cơ sở vật chất các nhóm lớp nhỏ lẻ sẽ khó đảm bảo. Theo ông Trình, Đồng Nai hiện có khoảng 900 nhóm lớp, trong năm tới địa phương có lộ trình sẽ xây dựng, nâng cấp 300 nhóm trẻ lên thành trường mầm non.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, bản thân các địa phương khi quy hoạch phải dành quỹ đất sạch để xây dựng trường đồng thời phát triển theo hướng xã hội hóa trường học. Bởi nguồn kinh phí nhà nước hiện không đáp ứng được việc xây dựng đủ hệ thống trường công. Cả nước hiện có 3 địa phương làm tốt việc phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập hiện nay gồm: TP Hồ Chí Minh 58,4%, Bình Dương 63,8% và Đà Nẵng hơn 63%.
Theo TNO