Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để con có lông mi đẹp, nhiều bà mẹ đã làm chuyện thật khủng khiếp suýt hại mắt con


Hãy nhớ rằng con trẻ không phải là vật để bạn thí nghiệm, thử nghiệm những lời truyền miệng về cách cho con có lông mi đẹp.


Con cái xinh xắn, đáng yêu là niềm tự hào của rất nhiều gia đình. Trước và sau khi sinh con, nhiều bà mẹ đã tìm hiểu, sưu tầm nhiều cách làm đẹp cho con chỉ mong sao con sẽ ngày càng xinh xắn, đáng yêu. Cũng vì niềm đam mê đó mà nhiều bà mẹ đã tìm được những cách làm đẹp rất lạ, thậm chí nguy hiểm cho con. Và một trong những cách làm đẹp khủng khiếp mà được nhiều bà mẹ rỉ tai cho nhau chính là cắt lông mi cho con để lông mi mọc dài, dày và cong vút.

 

Cặp lông mi con dài, cong vút là điều mà bà mẹ nào cũng mong muốn. (Ảnh: Internet)

 

Theo những lời rỉ tai, truyền miệng ấy thì khi bé còn trong tháng, chỉ cần mẹ cắt lông mi cho con thì sau đó, lông mi của con sẽ mọc dài, mọc dày và cong vút rất đẹp. Không biết độ thành công như thế nào nhưng đã có trường hợp bé suýt mù vì biện pháp cắt lông mi này, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, kéo sẽ chạm vào mí mắt, con ngươi của bé.

Khi nghe về việc này, nhiều bác sĩ, chuyên gia đã giật mình và không ngớt lời la mắng những ông bố, bà mẹ đã nghe theo phương pháp không hề khoa học này. Bác sĩ Chen Gou đã lên tiếng về phương pháp phản khoa học này qua bài phỏng vấn trên trang Sina. Theo bác sĩ Chen Gou, lông mi ngoài việc làm đẹp, khiến mắt hấp dẫn hơn, còn có tác dụng bảo vệ mắt khỏi bụi, mồ hôi và những vật lạ. Bất cứ khi nào có vật thể lạ tiếp cận mắt, lông mi sẽ theo phản xạ, lập tức đóng lại. Do đó, khi cắt lông mi của trẻ nghĩa là bố mẹ đã làm mất đi độ an toàn cho mắt của con.

Theo lời rỉ tai về phương pháp phản khoa học này của các bà mẹ, phải cắt lông mi cho bé trước khi được 6 tháng tuổi thì mới đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, điều này chẳng liên quan gì bởi độ dài và dày lông mi được quy định bởi gen. Cắt lông mi không giúp chúng mọc dài hơn bởi sự phát triển của nang lông được cố định một độ dài nhất định, đạt đến mức tối đa đó, chúng sẽ tự động ngừng phát triển. Thông thường, sau 6 tháng, lông mi của bé đã chạm ngưỡng độ dài do gen quy định. Ngoài ra, một đợt phát triển lông mi là khoảng hai tháng, thời gian nghỉ kéo dài từ 3 đến 9 tháng. Quá trình thay thế lông mi mới diễn ra liên tục khi tuổi thọ của một chiếc lông mi chỉ kéo dài khoảng 90 ngày.

 

Không biết độ thành công như thế nào nhưng đã có trường hợp bé suýt mù vì biện pháp cắt lông mi này, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, kéo sẽ chạm vào mí mắt, con ngươi của bé. (Ảnh: Internet)

 

Về màu sắc lông mi, việc cắt như nhiều người làm cũng chẳng ảnh hưởng gì bởi chúng liên quan đến chế độ dinh dưỡng, protein, vitamin trong thực phẩm mà trẻ ăn mỗi ngày. Vì thế, chỉ cần đảm bảo trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng thì lông mi trẻ sẽ tối màu và đen nhánh mà thôi. Hơn nữa, tuy phần lông mi mà bạn có thể chạm vào được tương đối mềm nhưng gốc lông mi lại khá cứng. Do đó, khi bạn cắt lông mi đi, để lại phần gốc, chúng sẽ nguy hiểm cho mắt của trẻ, tăng nguy cơ nhiễm bệnh mắt. Không chỉ vậy, khi lông mi mọc ra, nó sẽ kích thích mắt bé, làm cho bé khó chịu, chảy nước mắt.

Một điều nghiêm trọng hơn mà bố mẹ cần phải lưu ý đó là tai nạn có thể xảy ra khi cắt. Bé sơ sinh hay ngủ nhiều, mẹ thường tranh thủ thời điểm đó để cắt. Tuy nhiên, chúng chẳng phải búp bê để mà nằm yên cho mẹ làm, và chỉ cần một chút cựa quậy nhẹ, nheo mắt, khóc, việc mẹ làm tổn thương nang lông của bé, gây viêm bờ mi hay nặng hơn là chảy máu chắc chắn sẽ xảy ra. Hãy nhớ rằng con trẻ không phải là vật để bạn thí nghiệm, thử nghiệm những lời truyền miệng dại dột đó. Hãy tỉnh táo lên mẹ nhé.

 

Theo Newben / Trí Thức Trẻ