Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quảng Bình: Chú trọng đầu tư chất lượng cho giáo dục Mầm non


Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực để tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm, trọng điểm của Bộ giáo dục đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương...


Việc xã hội hóa giáo dục Mầm non đã làm thay đổi diện mạo của nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Bình


Nỗ lực đáng ghi nhận
Có thể nói, việc hưởng ứng và triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Ngành GD&ĐT trong năm học 2015-2016 đã được sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, địa phương, phụ huynh học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.


Việc tỉnh Quảng Bình hiện có 157/159 xã, phường, thị trấn (98,7%) và 08/08 huyện, thành phố, thị xã (100%) đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi tăng so với năm học trước 03 xã (1,8%) là sự nỗ lực lớn của tỉnh Quảng Bình và trở thành một trong những tỉnh đã hoàn thành đạt chuẩn Phổ cập trước 1 năm so với kế hoạch đề ra,


Tỉnh Quảng Bình đã tập trung đầu tư, củng cố và phát triển vững chắc trường lớp MN, mẫu giáo, nhà nhóm trẻ hiện có, chú trọng huy động thêm trẻ dân tộc, trẻ ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, vì vậy, tỷ lệ trẻ đến trường, nhóm, lớp đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tăng đáng kể so với năm học trước.


Việc đầu tư về cơ sở vật chất chung trong toàn tỉnh thì chất lượng đào tạo cũng được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích cũng như ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các trường Mầm non công lập. Chất lượng quản lý và chăm sóc trẻ có nhiều chuyển biến tích cực và giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống mức thấp nhất so với các năm học trước.


Bên cạnh việc chăm sóc trẻ, ngành Giáo dục Mầm non tỉnh Quảng Bình đã chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, thực hiện chương trình cho đội ngũ. Đặc biệt, đã tổ chức bồi dưỡng về các mô đun của Dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ Mầm non" cho cán bộ quản lý tại tỉnh và chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên theo đúng kế hoạch. Công tác bồi dưỡng thường xuyên được triển khai theo quy định.


Chất lượng đội ngũ được nâng cao hơn trước, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt trên chuẩn tăng so với cùng kỳ năm học trước (tăng 0,6% cán bộ quản lý và 5,3% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn). Không có cán bộ quản lý và giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Chế độ, chính sách cho giáo viên tiếp tục được quan tâm (kịp thời tuyển dụng giáo viên vào biên chế theo kế hoạch, thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên ngoài biên chế theo quy định: trả lương theo trình độ đào tạo, đóng BHXH, BHYT...).


Các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Ngành phát động, đặc biệt là cuộc vận động ‘‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động ‘‘Hai không", Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua ‘‘Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" tiếp tục được chỉ đạo triển khai ở các đơn vị bằng những hình thức, hoạt động phù hợp, thiết thực và đạt hiệu quả cao.


Để đạt được những thành tích trên thì ngành Mầm non đã chú trọng công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức sinh động, sáng tạo, hiệu quả. Công tác xã hội hóa Giáo dục Mầm non đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đã huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các bậc cha mẹ và cộng đồng để tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và xây dựng môi trường cảnh quan trong các nhà trường.


Vẫn có những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, một số đơn vị, địa bàn khó khăn, cách trở, do đó, số điểm trường lẻ tuy có giảm nhưng vẫn còn không ít, số phòng học tạm, phòng học nhờ vẫn còn (87 phòng học tạm, tỷ lệ 4,5%; 64 phòng học nhờ, tỷ lệ 3,3%), công trình vệ sinh, bếp ăn chưa đạt yêu cầu vẫn còn, thiếu phòng chức năng, sân chơi có đồ chơi ngoài trời, vẫn còn tình trạng lớp ghép 2-3 độ tuổi (86 lớp ghép 2 độ tuổi, 48 lớp ghép 3 độ tuổi) nên khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.


Ở một số đơn vị thuộc TP Đồng Hới và trung tâm huyện, thị xã nhu cầu đến trường của trẻ lớn trong khi điều kiện cơ sở vật chất như phòng học chưa đáp ứng được nên vẫn có tình trạng quá tải về số lượng trẻ/nhóm, lớp. Các đơn vị thuộc vùng miền núi, vùng đồng dân tộc, vùng cao, vùng bãi ngang đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào ven biển do ảnh hưởng thảm họa môi trường, cá biển chết hàng loạt trong thời gian tương đối dài.


Điều kiện kinh tế của khá nhiều địa phương còn quá khó khăn, việc huy động từ nguồn xã hội hóa còn ít, chương trình mục tiêu quốc gia cho GD&ĐT không còn nên việc đảm bảo kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách cho hợp đồng nấu ăn ở các trường tổ chức bán trú khó khăn, đặc biệt là đối với các đơn vị thuộc vùng miền núi, vùng khó khăn do cơ chế chính sách chưa rõ ràng.


Trong năm học mới, mặc dù sẽ còn nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục Mầm non tỉnh Quảng Bình sẽ nổ lực hơn nữa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đảm bảo cho trẻ đến trường đầy đủ, an toàn và chất lượng nhất, xây dựng môi trường cảnh quan nhà trường, làm thay đổi đáng kể diện mạo các trường Mầm non...


Công tác xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia đã được các địa phương quan tâm và thực hiện có hiệu quả, trong năm học có 14 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó, kiểm tra công nhận lại 04 trường (03 trường mức độ 01 và 01 trường mức 2), kiểm tra công nhận mới 10 trường (10 trường đạt chuẩn mức độ 1), đưa tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 64 trường, tỷ lệ 35,7%.


Theo GD&TĐ