Thai nhi 15 tuần tuổi: Đôi tai bắt đầu hoạt động Ở tuần thai này, mặc dù đôi mắt em bé vẫn chưa mở ra nhưng thai nhi có thể cảm nhận được ánh sáng từ thế giới bên ngoài. Thai nhi 15 tuần tuổi dài 9 - 10 cm tính từ đầu đến mông và nặng khoảng 75g. Dưới đây là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này: Sự phát triển của thai nhi Thai nhi bây giờ đã dài 9 - 10 cm tính từ đầu đến mông và nặng khoảng 75g. Cả cơ thể được bao phủ trong lớp tóc mịn hay còn gọi là lông tơ. Lông mày và tóc cũng đã bắt đầu mọc, nhưng chúng không có cùng màu sắc và kết cấu giống với tóc của em bé sau khi được sinh ra. Tai của em bé có thể vẫn đang ở vị trí khá thấp trên đầu, nhưng không lâu nữa đâu, đôi tai sẽ di chuyển đến vị trí cuối cùng. Tai bé bây giờ đã có thể hoạt động - những điều đầu tiên bé có thể nghe được là tiếng ồn từ hệ tiêu hóa của mẹ, tiếng tim mẹ đập, giọng nói của mẹ và một cách không rõ ràng những tiếng ồn từ bên ngoài cơ thể mẹ. Mặc dù đôi mắt em bé vẫn chưa mở ra, thai nhi có thể cảm nhận được ánh sáng từ thế giới bên ngoài. Đôi chân bây giờ đã phát triển dài hơn cánh tay của bé, xương và cơ bắp thì vẫn tiếp tục phát triển. Thai nhi vẫn sẽ thực hiện tất cả các loại chuyển động với cái đầu của mình, miệng, tay chân và các ngón chân, ngón tay. Sự thay đổi trong cơ thể mẹ Do các cơ quan trong cơ thể mẹ dần to ra, mẹ không thể tránh né việc sử dụng những chiếc váy bầu nữa. Hiện giờ tính cách mẹ thay đổi nhanh chóng, sớm nắng chiều mưa với nhiều lí do, không chỉ do việc thay đổi hoóc-môn. Khi nhìn thấy vòng eo ngày một phình to, mẹ có thể cảm nhận được tầm quan trọng của việc mang thai và trách nhiệm đối với em bé - và sẽ rất bình thường khi mẹ cảm thấy một phần nào đó lo sợ về việc lần đầu mang thai, cũng như khi mẹ đang nuôi nấng một đứa trẻ khác. Một số phụ nữ khi mang bầu thường mắc tính hay quên và không thể tập trung vào một vấn đề nào đó. Những mệt mỏi và lo âu về việc mang thai hình thành chứng hay quên ở thời kỳ đầu khi mang thai, nhưng những tác nhân vật lý thay đổi trong bộ não mẹ sẽ là nguyên nhân cho những triệu chứng sau này. Mặc dù một số các bộ phận trong não mẹ phát triển, nhưng kích cỡ tổng của não sẽ giảm xuống, đặc biệt là quý thứ 3 khi mang thai. Vì vậy, hãy chuẩn bị tâm lý để bị chóng quên và khó xử lý thông tin trong vòng vài tháng nữa. Trước khi mẹ quên điều gì đó, hãy sử dụng những bản lưu ý để ghi chép lại những cuộc gặp và công việc cần làm. Bộ não sẽ trở lại kích thước bình thường sau 6 tháng khi sinh. Khi nhìn thấy vòng eo ngày một phình to, mẹ có thể cảm nhận được tầm quan trọng của việc mang thai và trách nhiệm đối với em bé. (ảnh minh họa) Mẹ nghĩ rằng khi mang thai tóc sẽ mọc dày hơn bình thường, nhưng thật ra không phải vậy - sự thật là bởi sự phát triển của tiết tố hoóc-môn nữ, tóc mẹ sẽ rụng một chút trong quá trình mang thai, vậy nên tóc mẹ sẽ nhiều hơn bởi những sợi tóc rụng bị vướng lại. Việc này cũng xảy ra với lông mi và lông mày của mẹ. Dù sao, một vài tuần sau khi sinh, mẹ sẽ phát hiện hàng sợi tóc bị mất khi gội đầu. Đừng hoảng loạn - mẹ sẽ không bị hói bởi đó chỉ là những sợi tóc thừa chưa rụng hẳn trong quá trình mang thai. Tóc sẽ phục hồi lại như trạng thái trước khi mang thai. Mẹ có thể cảm thấy mũi bị tắc hoặc khó thở và thậm chí cả chảy máu cam, đặc biệt là sau quý mang thai đầu tiên. Điều này đôi khi liên quan tới chứng bệnh viêm mũi trong quá trình mang bầu. Một lần nữa, việc thay đổi hoóc-môn khiến tăng lưu lượng máu tới các mạch chính là lý do cho chứng bệnh này. Lợi của mẹ cũng sẽ bị chảy máu do điều này khi đánh răng. Theo Thùy Dương (Theo Webmd) (Khám Phá)
|