Vật dụng quen thuộc và gần như không thể thiếu với trẻ sơ sinh lại tiềm ẩn hàng loạt rủi ro sức khỏe cho bé, thậm chí có thể khiến bé tử vong.
Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSC) và cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo các bậc cha mẹ hãy ngừng sử dụng gối ngủ, gối chặn cho bé. Trong hơn 13 năm (cho đến năm 2010) CPSC và FDA đã nhận được 12 báo cáo về trường hợp những trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 4 tháng tuổi đã chết do bị ngạt thở khi đang sử dụng gối ngủ hoặc gối chặn. Và trong một nghiên cứu, họ đã tìm ra rất nhiều những nguy hiểm tiềm tàng khi các bậc phụ huynh cho trẻ sử dụng các vật dụng này như bị ngạt thở, bị kẹt giữa gối và nôi...
CPSC và FDA cũng cho biết, một chiếc nôi an toàn cho trẻ là chiếc nôi chỉ được lót một tấm đệm mềm. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên ngừng sử dụng gối cho trẻ sơ sinh. Điều này là không cần thiết và chúng hoàn toàn có thể khiến trẻ bị ngạt thở.
Không giống như những gì nhiều người nghĩ, thực tế cho thấy gối không phải là một vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Ngược lại, người ta còn khuyến khích rằng hãy giữ cho trẻ tránh xa những chiếc gối trong vòng hai năm đầu tiên sau khi sinh. Tại sao vậy? Những lý do sau đây sẽ thuyết phục bạn:
Gối làm tăng nguy cơ SIDS ở bé
Ngoài việc có thể làm bé nghẹt thở, gối còn làm tăng nguy cơ hội chứng SIDS hay còn gọi là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Nếu gối được nhồi bằng bọt biển hoặc hạt xốp hay các loại bông kém chất lượng thì theo thời gian, gối có thể bị xẹp, trở nên lỏng lẻo và từ đó dễ dẫn đến việc khiến bé bị ngạt thở. Cụ thể là trẻ sơ sinh khi ngủ rất hay cựa mình và các bé không thể kiểm soát được mọi vật xung quanh. Chính vì vậy, khi bé chẳng may lật mình và nằm úp sấp, phần đầu của bé sẽ dán chặt vào gối, gối lõm xuống và bao xung quanh đầu bé, từ đó không khí sẽ không đủ cung cấp tới bé, gây nên những tai nạn đáng tiếc.
Thêm vào đó, ở thời kỳ này xương cổ và sụn còn rất mềm vì thế bé không có khả năng tự nhấc cổ, do đó khi gối đầu bé không hợp lý, cổ bé sẽ bị gập lại và vùng hầu họng sẽ bị chẹn khiến cho bé dễ bị sặc, dẫn đến ngạt thở.
Gối khiến bé quá nóng
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại gối dành cho trẻ em với đa dạng các chủng loại, chất liệu, màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Tuy nhiên, nếu mẹ không chú ý và lựa chọn cho bé những chiếc gối được làm từ sợi polyester hoặc một loại vải nào đó khó thấm mố hôi thì điều này có thể làm tăng nhiệt bên dưới đầu bé, dẫn đến biến động nhiệt độ trong cơ thể bé.
Việc bé bị đổ mồ hôi quá nhiều hoặc bị ủ nhiệt do vỏ gối có thể dẫn đến một tình trạng gọi là tăng thân nhiệt ở trẻ, một trong những nguyên nhân có thể gây tử vong và đe dọa tính mạng bé.
Gối có thể khiến bé bị bong gân cổ
Hầu hết các loại gối trẻ sơ sinh đều không bằng phẳng. Chính điều này đã dẫn đến một thực tế là trẻ hoàn toàn có thể bị bong gân cổ nếu ngủ trong nhiều giờ. Lý do là vì phần đầu và phần cổ của bé sơ sinh còn rất yếu, vì vậy, đầu bé rất dễ bị tổn thương khi bé nằm gối ngủ quá lâu với một tư thế nhất định.
Gối có thể dẫn đến hội chứng đầu phẳng ở bé
Ngủ trên một chiếc gối mềm quá lâu có thể khiến phát sinh hội chứng đầu phẳng (hay còn gọi là bẹp đầu) ở trẻ. Nguyên nhân là khi dùng gối áp lực lên phần đầu bé không đổi, trong khi hộp sọ của bé sơ sinh chưa phát triển hết, dễ bị biến dạng cấu trúc dẫn đến đầu phẳng.
Gối có thể khiến bé bị nghẹt thở
Nếu bạn nghĩ rằng việc đặt bé nằm trên một chiếc gối sẽ giúp bé ngủ tốt hơn thì bạn đang hoàn toàn sai lầm. Với những bé mới sinh, đầu của bé vẫn rất mềm, chưa phát triển toàn diện và rất nhạy cảm. Chính vì vậy, đầu bé hoàn toàn có thể chìm vào gối mềm, từ đó làm tăng nguy cơ ngạt thở ở bé. Thêm vào đó, việc những chiếc gối có thể làm hạn chế luồng không khí cho bé khi đầu bé ngọ nguậy từ bên này sang bên kia do lỗ mũi của bé vẫn còn nhỏ, ngắn và chúng có thể sẽ bị đè ép bởi chiếc gối.
Lưu ý cho các bậc cha mẹ để đảm bảo giấc ngủ an toàn cho bé
- Tránh sử dụng gối cho bé cho đến khi bé được 2 tuổi.
- Nếu bạn vẫn lựa chọn cho con ngủ gối, hãy chắc chắn chiếc gối không quá mềm và phải phẳng.
- Nếu đầu bé phải nằm ở một vị trí quá lâu trong hơn hai giờ, hãy thử thay đổi vị trí để tránh hội chứng đầu phẳng do áp lực ở bé.
- Luôn đặt bé nằm ngửa, tránh đặt bé nằm sấp.
- Hãy chắc chắn rằng giường, cũi của bé được đặt bên cạnh giường của bạn và xa máy sưởi phòng hoặc thiết bị điện tử khác.
Nguồn: Trí Thức Trẻ