Trẻ đau bụng có nhiều nguyên nhân, với những trường hợp nhẹ mẹ hoàn toàn có thể xử lý nhanh và giúp bé dễ chịu tại nhà. 9 gợi ý dưới đây sẽ giúp ích cho mẹ.
Giáo sư, bác sĩ Nhi khoa Deborah Lonzer, trưởng Khoa Nhi của bệnh viện Cleveland Clinic cho biết "cơn đau thường không phải do tác động bên trong dạ dày nhưng là do chuột rút hoặc cơ bụng bị kéo căng". Với trường hợp này mẹ có thể dùng một số nguyên liệu có sẵn để xoa dịu cơn đau bụng của bé.
Trà hoa cúc (Ảnh minh họa)
Trà hoa cúc
Hoa cúc có tác dụng làm giảm cơn co thắt ruột và giúp bé thư giãn. Các nghiên cứu cho thấy với những bé bị đau bụng, thời gian khóc sẽ giảm 85% nếu được sử dụng trà hoa cúc. Trà hoa cúc không gây biến chứng rối loạn vì có tính kháng viêm.
Cách thực hiện như sau: Bỏ túi trà vào nước sôi khoảng 5 phút, sau đó chờ cho trà nguội thì cho bé uống. Mẹ có thể pha loãng để bé dễ uống hơn, mỗi ngày cho bé uống khoảng 30ml trà hoa cúc nếu xuất hiện triệu chứng đau bụng nhẹ.
Lưu ý: Có một số bé 6 tháng tuổi trở lên có thể nhạy cảm với các thành phần có trong hoa cúc vàng, gây ra hiện tượng phát ban. Sau khi uống trà hoa cúc, nếu thấy bé nổi ban đỏ, ngứa thì nên tạm ngưng cho bé uống..
Trà gừng
Thành phần chính của gừng là gingerol, một chất chống oxy hóa mạnh làm giảm quá trình sản xuất các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Đồng thời, nó còn có tác dụng chống buồn nôn và làm giảm sự khó chịu của chứng đau bụng. Hơn nữa, nhờ đặc tính chống viêm của gừng có tác dụng tăng dịch tiêu hóa và trung hòa các axit trong dạ dày, giúp xoa dịu những cơn đau.
Trà bạc hà
Bạc hà được chứng minh qua các nghiên cứu là có tác dụng làm dịu cơn co thắt trên cơ bụng. Theo Trung tâm Y tế của trường Đại học Maryland, bạc hà có khả năng cải thiện dòng chảy của dịch mật, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. Nếu bé không chịu uống các loại trà, bạn có thể cho bé ngậm hoặc nhai kẹo bạc hà để làm giảm cơn đau bụng nhẹ.
Chườm nóng
Cách đơn giản nhất trong trường hợp nhà bếp của bạn không có trà gừng, trà hoa cúc hay trà bạc hà là nhờ đến sức nóng của hơi nhiệt. Đặt một chai nước hoặc túi chườm nóng trên bụng của bé trong một vài phút ở tư thế ngồi hoặc nằm. Bởi nhiệt làm tăng lưu lượng máu đến bề mặt da, có thể làm giảm các cơn đau hiệu quả.
Thư giãn bàn chân
Bạn biết không, có đến hàng ngàn dây thần kinh ở bàn chân và bàn tay của chúng ta đấy. Khi thực hiện các kỹ thuật xoa bóp có thể làm cho toàn bộ cơ thể được thư giãn và cảm thấy bình tĩnh hơn. Trong khi đó, vùng bụng có sự liên kết với các dây thần kinh của bàn chân trái. Do vậy, khi thấy bé đau hoặc khó chịu ở vùng bụng, mẹ hãy dùng kỹ thuật bấm huyệt, tay phải và trái giữ lấy chân trái của bé, sau đó dùng lực ấn vào lòng bàn chân rồi giữ trong khoảng vài giây. Tiếp tục di chuyển một chút về phía trước và lặp lại. Sau khi hoàn thành động tác, chuyển từ phải sang trái và dùng cả ngón tay cái để ấn kết hợp xoa.
Cho bé ăn bữa ăn nhẹ
Mặc dù đau bụng nhưng bé vẫn có cảm giác ngon miệng, lúc này mẹ hãy cho bé ăn một ít thức ăn đơn giản với lượng nhỏ. Đó có thể là bánh mì nướng, mì, bột yến mạch, sữa chua, gạo và táo. Các loại thực phẩm này ít gây kích thích dạ dày và dễ dàng tiêu hóa hơn so với thực phẩm nhiều gia vị hay dầu mỡ. Ngoài ra, khi cho bé dùng thức ăn nhẹ sẽ giúp chức năng tiêu hóa nhanh chóng trở về với trạng thái bình thường.
Sữa chua
Sở dĩ hoạt động của chức năng tiêu hóa diễn ra bình thường là nhờ vào các lợi khuẩn. Một khi vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột hoặc gây ra tiêu chảy, các lợi khuẩn sẽ bị "tấn công" và hao hụt. Vì thế, cho bé ăn sữa chua là mẹ đang bổ sung lượng lợi khuẩn và men tiêu hóa tốt cho đường ruột. Từ đó, lấy lại sự cân bằng của hệ vi sinh và quá trình tiêu hóa trở lại bình thường.
Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống
Những cơn đau bụng xuất hiện, nguyên nhân chủ yếu là do táo bón gây ra. Cách để chống táo bón tốt nhất vẫn là bổ sung chất xơ bằng các loại trái cây tươi và khô như quả anh đào, mận khô, nho khô. Nếu trẻ đang trong độ tuổi đi học, hãy cho trẻ ăn khoảng năm phần trái cây mỗi ngày, uống thêm các loại nước ép trái cây.
Khuyến khích các hoạt động ngoài trời
Nếu con bạn thường xuyên bị táo bón, hãy khuyến khích cho bé có thói quen vui chơi các hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Thay vì chỉ nằm trên giường hoặc ngồi yên một chỗ có thể tình trạng táo bón sẽ trở nên trầm trọng, hoạt động thể chất sẽ hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. Các hoạt động này bao gồm đi bộ, chạy nhảy, tham gia các trò chơi ngoài trời. Bố mẹ có thể "tư vấn", chỉ cho bé cách tự xoa bụng theo chiều kim đồng hồ để làm dịu khi cơn đau bụng xuất hiện.
Tìm đến trợ giúp của bác sĩ
Các biện pháp khắc phục trên có thể rất hiệu quả với trường hợp trẻ đau bụng nhẹ, nhưng bố mẹ cũng cần biết khi nào thì cần đến "phao cứu trợ" của bác sĩ. Nếu táo bón kéo dài trên một tuần dù bạn đã có sự thay đổi trong chế độ ăn uống thì nên đưa trẻ đi khám. Bên cạnh đó, khi bé có dấu hiệu nôn mửa, sốt, có máu trong phân thì bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Theo SK&ĐS