3 cách ứng xử thông minh khi con mắc lỗi giúp bố mẹ không bao giờ phải phạt con Mắc lỗi là điều hoàn toàn tự nhiên của mọi đứa trẻ, vì đó là cách để chúng học hỏi và lớn lên, tuy nhiên, hiếm có bố mẹ nào không nổi cáu hay tức giận mỗi khi các con mắc lỗi. Bố mẹ không thể bảo vệ hoặc dạy cho các con cách để không bao giờ mắc lỗi hay gây ra những chuyện tồi tệ, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giúp các con cảm thấy ít bị tổn thương nhất và học hỏi được nhiều nhất từ chính lỗi lầm của mình bằng những cách ứng xử thông minh mỗi khi con mắc lỗi. Hãy luôn để cho trẻ cảm nhận được rằng, trẻ không phải là siêu nhân mà là một đứa trẻ bình thường được phép mắc lỗi giống như bất cứ ai khác xung quanh trẻ. Để làm được điều đó, một điều cấm kị khi các bé mắc lỗi đó là quát mắng, xoáy sâu vào những điều tồi tệ mà trẻ gây ra khi mắc lỗi, thậm chí là đánh trẻ hay nói rằng "vì con mắc lỗi nên bố/mẹ không yêu con nữa đâu". Phạt con bằng đòn roi và những lời lẽ nặng nề chưa bao giờ là một lựa chọn hiệu quả. Ảnh minh họa. Bạn có thể tham khảo những cách phạt con rất tích cực và thông minh dưới đây để học cách hạ nhiệt những khi con mắc lỗi và tìm ra cách xử lý khôn ngoan nhất. 1. Sửa lỗi bằng tình yêu thương Hãy để bé thấy rằng, việc bé mắc lỗi không làm bạn sứt mẻ tình cảm yêu thương với bé, ngược lại, bạn có thể trấn an bé bằng một cái ôm hay cái nắm tay thật chặt trước khi bắt đầu câu chuyện "vì sao con mắc lỗi"? Tương tự, nếu lũ trẻ đánh lộn và tranh giành nhau đồ chơi... bạn hãy "phạt" chúng bằng cách ôm nhau thật chặt cho đến lúc nào cả hai cùng cười thì thôi. Hãy luôn nhớ rằng, tình yêu thương có thể hóa giải được mọi điều, vì thế, trước khi áp dụng một hình phạt nhớ đời, hãy luôn dành cho con tất cả sự bao dung mà bạn có. 2. Cho con cơ hội để làm lại Thay vì nhiếc mắng, quát tháo, thậm chí đánh con sau khi con mắc lỗi, bạn chỉ cần hít thở sâu và thật bình tĩnh hỏi con: "Con có muốn làm lại không?" sau đó khuyến khích, động viên, gợi ý và cùng con làm lại từ đầu. Bố mẹ nên tin rằng, lũ trẻ không bao giờ cố tình mắc lỗi, mắc sai lầm chính là một cách để chúng tích lũy trải nghiệm, kinh nghiệm và học được các kĩ năng xử lý vấn đề, vì thế, nếu bạn dùng các hình phạt kiểu "nhớ đời" thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang khiến con bị mất đi sự tò mò, khám phá để học được những điều mới mẻ. Hãy giúp con hiểu được rằng mình học được gì từ sai lầm của mình là cách tốt nhất để bạn giúp con không bao giờ lặp lại sai lầm đó nữa. Khi con mắc lỗi, hãy luôn ngồi xuống thấp ngang bằng con để có thể lắng nghe và thấu hiểu con, đó là cách vô cùng hiệu quả để trẻ nhận thức được sai lầm của mình và sẵn sàng nhận lỗi cũng như sửa sai. Ảnh minh họa. 3. Nói lời xin lỗi Hai bước trên không đồng nghĩa với việc "lũ trẻ chẳng mắc lỗi gì to tát cả" hay "lỗi lầm của con không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng", vì thế, bạn cần để lũ trẻ thấy rằng, lũ trẻ có quyền mắc lỗi để học cách lớn lên, bạn tôn trọng và thấu hiểu điều đó nhưng chúng không được phép tỏ ra "như không có gì" và không cần hối lỗi. Hãy cùng con kết thúc câu chuyện bằng một lời xin lỗi chân thành để trẻ thấy rằng chúng được thấu hiểu và bố mẹ hoàn toàn không còn dằn vặt chúng về sai lầm chúng mắc phải nữa. Giá trị của một lời xin lỗi chân thành và tự nguyện chính là ở chỗ khi lời xin lỗi được nói ra thì cũng có nghĩa là lũ trẻ đã hoàn toàn cảm thấy nhẹ nhõm vì được sửa sai và biết rằng bài học này sẽ giúp mình không bao giờ lặp lại sai lầm này nữa.
(Tổng hợp)
|