Theo một nghiên cứu mới tại Anh cho thấy, trẻ em khoảng 5 tuổi thường nạp vào cơ thể lượng đường gấp 4 lần mức tiêu chuẩn hằng ngày. Điều này có tốt cho sức khỏe của trẻ?
Theo Daily Mail, nguyên nhân của việc này do trẻ có thói quen uống nước ngọt, nước ép trái cây, sinh tố đóng hộp và lượng đường được cho là nhiều hơn khi trẻ ăn bánh ngọt, kẹo, chocolate.
Nên hạn chế cho trẻ ăn thức ăn chứa nhiều đường. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK.
Hiện nay Trung tâm sức khỏe Quốc gia của Anh (NHS) đã yêu cầu ngừng cho trẻ uống nước có gas vì những nguy cơ về ung thư, bệnh tim trong tương lai. Anh là một trong những nước có tỷ lệ béo phì ở trẻ em cao nhất thuộc khu vực EU và tình trạng sâu răng nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một khảo sát trên tổng lượng thức ăn hằng ngày của 1.000 trẻ ở độ tuổi 5 - 6 tuổi nhằm đánh giá lượng đường nạp vào.
Kết quả cho thấy lượng đường trung bình lên đến 74,6 gram, trong khi NHS quy định mức trung bình khoảng 19 gram hằng ngày tương đương 5 muỗng cà phê. Trong đó, 40% là nước uống có đường, 25% là nước uống có gas, 15% từ nước ép hay sinh tố còn lại là từ bánh kẹo, chocolate.
Các nhà nghiên cứu đã khuyên các bậc cha mẹ nên chú trọng khẩu phần ăn của trẻ, đặc biệt là ăn trưa tại trường nhằm tránh tình trạng béo phì, và những ảnh hưởng về tinh thần của trẻ sau này. Họ đồng ý việc đánh thuế cao trên các loại nước uống nhằm giảm tỷ lệ tiêu thụ nhưng lo lắng về nhận thức thông tin từ người tiêu dùng để lựa chọn những loại thức uống có lợi cho sức khỏe.
Theo SK&ĐS