Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con trẻ bây giờ cũng 'khổ'


"Trẻ em như búp trên cành", chúng luôn phải được chở che để trưởng thành. Có muôn vàn nỗi lo, chẳng cần kể đến những nỗi sợ hãi to tát như đuối nước hay tai nạn giao thông, tôi chỉ xin điểm qua những nguy cơ mới xuất phát từ cuộc sống hiện đại ngày nay, những nguy cơ hàng ngày.


Trong thời buổi nhìn đâu cũng ra thực phẩm bẩn, lo nhất là từ chuyện bỉm sữa lúc lọt lòng với những bình sữa nano tráng bạc, máy lọc nước đa cấp, sữa nhập khẩu. Khi ăn dặm, bố mẹ phải nghiên cứu xem nên chọn thực phẩm nào an toàn cho con. Vào google tra "lựa chọn thực phẩm an toàn" hay "thực phẩm sạch" ra vài triệu kết quả chỉ trong nửa giây.


Thức ăn yên tâm nhất là từ gia đình với mác "ở quê" hay dù đi chợ hay siêu thị, bố mẹ cũng cố chọn lựa đồ ngoại nhập từ những thương hiệu hoành tráng nhất, dù có đắt vì sợ nhầm hàng không rõ nguồn gốc. Hết rồi cái thời của bà, của mẹ với bát bột, bát cháo vài con cua đồng, con cá gỡ xương với chút rau ngót, mồng tơi hái từ vườn nhà là có bữa "măm".


Đó là nỗi lo con trẻ sau 8 tiếng trường mầm non với những bữa cơm tập thể, ngồi thật thẳng lưng cho cô xúc và về nhà là ti vi, youtube, quảng cáo... Tuổi thơ của con gắn với những clip trên youtube hay những đoạn quảng cáo bắt mắt. Ai bảo vệ con trước cả cái tivi thông minh bắt sóng wifi internet với kênh youtube thường trực muôn vàn trang dành cho trẻ con của Tây ta với mục đích cuối cùng là quảng cáo bột, bỉm, sữa và các loại đồ chơi.


Thời đại công nghệ, bảo vệ con thế nào khi ngay cả bố mẹ cũng không biết tự vệ trên mạng xã hội như khi con khoe "mẹ ơi ở lớp cô giáo khen con cảm thụ âm nhạc rất giỏi" trong tiếng rúc rích của mẹ đang chắm chúi vào tường facebook với một clip hài vừa share, rồi tặc lưỡi cho đó chỉ là hệ quả tất yếu của đời sống hiện đại thôi.


Ai bảo vệ con khi đồ chơi hàng nội địa kiểu "trẻ Việt Nam chơi đồ Việt Nam" thì quá đắt, đồ chơi Âu Mỹ càng quá cao xa. Đành chấp nhận đánh đổi những thú nhún, những con giống luôn bị khuyến cáo độc hại, vô sinh bán đầy đường.


Ai bảo vệ con cả khi bố mẹ loạn đao pháp khi tiếp thu trên mạng vô vàn kiến thức dạy con theo các kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Do Thái... mà kiểu nào thì cũng kinh điển cả. Rồi phần lớn bố mẹ chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn để đi đến đầu đến đũa một phương pháp. Rồi kết hợp với căn tính Việt để dạy con theo kiểu giống như tên của một trung tâm văn hóa là: Đông Tây hội ngộ.


Ai bảo vệ con dù kỹ năng sống được học ầm ầm trong cuộc chạy đua của các trường nhưng hiếm khi được thực hiện. Không một lớp học kỹ năng sống nào đủ để thay thế những trải nghiệm hàng ngày mà cha mẹ tạo dựng những thói quen cho con trẻ.


Để phòng và tránh những tai nạn từ học đường hay bên ngoài, trước tiên cần bắt đầu từ bố mẹ ví như đi qua đường thế nào, đi lạc xử trí ra sao, biết bơi lội, biết cách gọi trợ giúp khi cần thiết hay cách ứng xử với thầy cô, bạn bè...


Ai bảo vệ con trước khói thuốc lá, khi mới đây con số 60% phơi nhiễm khói thuốc tại nhà cho thấy, một tỉ lệ khá lớn phụ nữ và trẻ em Việt Nam vẫn đang là nạn nhân của hút thuốc thụ động ngay tại nhà.


Ai bảo vệ con trước chính mạng lưới lá chắn mà chính bố mẹ tung ra bao bọc lấy tâm hồn và thân thể non nớt của các con. Khi cả ông bà, bố mẹ vây quanh một đứa trẻ mà không hề hay biết điều này đang đầu độc hành vi và tâm lý của con cái. Vô tình, chúng tự cho mình là độc tôn, là trung tâm của sự chú ý.


Mấy ai đủ dũng cảm thay đổi suy nghĩ "con là trung tâm vũ trụ". Để rồi những đứa trẻ sống ở một đất nước còn đầy những khó khăn mà nghĩ mình phải ở trong nhung lụa. Trước những bậc cha mẹ trẻ cứ ngỡ mình đã là trung lưu thì con mình sẽ thành quý tộc, rồi tạo nên một thế hệ"con nhà lính tính nhà quan" khi chúng thấy cả nhà nguyện "hy sinh đời bố củng cố đời con".


Nghĩ con trẻ bây giờ cũng "khổ", những nỗi khổ khác cha mẹ ngày trước.


Theo HNM