Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hình thành biểu tượng toán cho trẻ mẫu giáo


Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của giáo dục mầm non là hình thành cơ sở ban đầu về nhân cách con người phát triển toàn diện.


Hình thành các biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non là một nội dung quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non.


Mỗi độ tuổi có những nội dung để hình thành các biểu tượng về toán cho trẻ khác nhau như: Số lượng, con số và phép đếm, kích thước, hình dạng, sự định hướng trong không gian và định hướng thời gian. Tuy nhiên trong thực tế, đa số giáo viên mầm non mới chỉ chú trọng dạy trẻ về số lượng, con số- phép đếm, kích thước, hình dạng và định hướng trong không gian; còn nội dung rất quan trọng như:


"Nhận biết các buổi sáng, trưa, chiều, tối", "Nhận biết ý nghĩa các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu áp dụng dạy trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi; hoặc "Nhận biết hôm qua, hôm nay, ngày mai", "Gọi tên các ngày trong tuần" bắt đầu dạy trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi thì gần như chưa được chú ý đúng mức. Cụ thể:


1. Nhận biết ý nghĩa các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày
Giáo viên khai thác để cho trẻ làm quen với một vài số điện thoại khẩn cấp như 113, 114, 115 thông qua các trò chơi. Giúp trẻ bước đầu biết được các con số này cho chúng ta biết điều gì và chúng sẽ phải hành động ra sao khi có sự cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày: Số 113- gọi cảnh sát cơ động), 114 - gọi chữa cháy, 115- gọi cấp cứu bệnh viện.


2. Nhận biết các buổi sáng, trưa, chiều, tối
Qua tranh ảnh sinh hoạt tại các thời điểm trong ngày để giúp trẻ nhận biết các buổi sáng, trưa, chiều, tối. Ví dụ: Buổi sáng bé ngủ dậy đánh răng, rửa mặt, đến trường mầm non; Buổi trưa: ăn cơm, đi ngủ với các bạn ở trường; buổi chiều bố mẹ đón bé về, tắm rửa; buổi tối bé xem ti vi, đi ngủ ở gia đình.


Có thể cho trẻ tìm hiểu sáng, trưa, chiều, tối qua quy luật mọc, lặn của mặt trời, mặt trăng...

Tập cho trẻ sắp xếp tranh về thứ tự các buổi trong ngày để dần hình thành khái niệm cho trẻ.


3. Nhận biết hôm qua, hôm nay, ngày mai
Trẻ thường nhầm lẫn hôm qua, hôm nay, ngày mai; Ví dụ: sáng bố mẹ đưa đi học nhưng lại dặn mai đón con sớm nhé..., mà trẻ lại chưa biết chữ, chưa biết đọc do đó giáo viên phải chú ý dạy trẻ. Giáo viên chủ yếu dựa vào các hoạt động như trò chuyện về sinh hoạt của trẻ hoặc qua các câu chuyện kể.


Cô và trẻ cùng xem lịch và thảo luận về các ngày trong tuần: Hôm qua là ngày thứ mấy? Ngày hôm qua các con đã làm những công việc gì? Hôm nay là ngày thứ mấy? và các con đang làm gì? Ngày mai là thứ mấy và các con sẽ làm gì? ... nhờ đó mà trẻ sẽ nắm được các thứ trong tuần.


4. Gọi tên các ngày trong tuần:

Giáo viên có thể trò chuyện với trẻ về các ngày trong tuần như: Hôm nay là thứ hai, là ngày đầu tuần và là ngày đầu tiên của tuần bé đi đến trường mầm non, thứ ba, thứ tư, thứ năm bé đi học đều, thứ sáu là ngày cuối tuần bé cố gắng chăm ngoan để được cô giáo phát phiếu bé ngoan, thứ bảy, chủ nhật bé được nghỉ học ở nhà hoặc đi chơi cùng gia đình. Cho trẻ hát "Cả tuần đều ngoan".


Cho trẻ xem và bóc lịch hàng ngày vào mỗi buổi sáng. Có thể giới thiệu thêm cho trẻ biết trên các tờ, quyển lịch ngày (thứ bảy) chủ nhật thường có màu đỏ- đó là ngày nghỉ.


Phân công trẻ trực nhật theo các thứ trong tuần.

Cho trẻ hát, đọc thơ, nghe các câu chuyện về các ngày trong tuần.


Đây là một số nội dung đa số giáo viên mầm non chưa chú ý quan tâm dạy trẻ làm quen kịp thời, đây không chỉ những là nội dung để hình thành biểu tượng toán mà còn là những kỹ năng xã hội cần thiết, quan trọng giúp thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục mầm non.


Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng MN Tích sơn, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)
Theo GD&TĐ