Khi chọn đồ cho bé, chỉ mất 30 giây để đọc nhãn mác, nhưng nếu bỏ qua điều này, mẹ sẽ bỏ lỡ những thông tin quan trọng, hoặc thậm chí mua nhầm vật dụng không an toàn cho con.
Chọn nhầm vì chủ quan, thiếu kiến thức
Mẹ Bích Trâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ một kỷ niệm nhớ đời: "Khi chuẩn bị cho cu Tin ăn dặm, mình đã mua sẵn nhiều chén, tô, dĩa nhựa màu sắc sặc sỡ, lại có thêm đủ thứ hình ảnh hoạt hình dễ thương để "dụ" bé ăn. Không ngờ ngay lần đầu đem ra dùng, vừa múc thức ăn nóng vào là lớp nhựa có dấu hiệu bị phồng rộp. Xem kỹ lại tất cảc mới phát hiện trên chén dĩa chẳng có bất kỳ chữ nghĩa hay ký hiệu gì. Mình cũng không thể nhớ đã mua những đồ này ở đâu và của thương hiệu nào nữa. Giải pháp của mình là bỏ hết ngay lập tức và mua mới toàn bộ. Lần này thì mình lên mạng tìm kiếm hướng dẫn mua đồ nhựa an toàn và đọc đi đọc lại nhãn mác, không thể qua loa như trước nữa".
Đọc kỹ nhãn mác để chọn được đồ dùng an toàn cho con
Ngay từ những tháng đầu khi con chào đời, chị Thanh Quỳnh (Quận 1, TP.HCM) đã chuẩn bị rất nhiều đồ chơi, đặc biệt là những đồ chơi lục lạc hay đồ gặm nướu. Chị cũng cẩn thận không chọn những đồ quá rẻ, màu sắc quá sặc sỡ hay không rõ nguồn gốc. Nhưng đến khi vô tình đọc được các bài viết cảnh báo về các sản phẩm chứa BPA - hợp chất có thể gây vô sinh cho nam giới - chị mới vội vàng kiểm tra lại những món đồ mình đã mua, thì phát hiện trong số đó có không ít những sản phẩm không có ký hiệu BPA free hoặc ghi rất mập mờ.
Đọc kỹ nhãn mác để tránh xa BPA
Với quần áo, khăn khố, chăn màn... thì việc đọc nhãn khá dễ dàng và quen thuộc vì các mẹ chỉ cần lưu tâm đến chất liệu, cách giặt ủi là được. Nhưng khi mua các đồ dùng làm từ nhựa, mẹ thường sẽ cảm thấy bối rối vì các ký hiệu xa lạ ghi trên nhãn hoặc trên sản phẩm. Chính vì không hiểu các thành phần hóa học, lại không biết hỏi ai nên các mẹ thường... bỏ qua luôn mà quên tìm hiểu kỹ về chất lượng.
Đáng quan ngại nhất hiện nay là theo các tổ chức sức khỏe cảnh báo, có khoảng gần 3 tỉ kg hóa chất độc hại như BPA đang có mặt trong các sản phẩm nhựa quen thuộc như bình sữa trẻ em, chai đựng nước, muỗng... BPA - Bisphenol A có thể gây rối loạn hệ nội tiết, vô sinh, rối loạn thần kinh, ung thư, các bệnh về tim mạch, dậy thì sớm...
Mẹ có biết riêng nhựa được chia ra đến 7 loại khác nhau, các sản phẩm nhựa của các thương hiệu nổi tiếng, uy tín thường ghi rất rõ những ký hiệu "số nằm trong hình tam giác" nhưng không phải mẹ nào cũng chú ý?
Các ký hiệu nhựa an toàn, không chứa BPA
Ký hiệu số 1 - nhựa PETE: thường dùng sản xuất các chai nước ngọt, dầu gội đầu, xà phòng, thuốc, bơ, tinh dầu, cồn...
Ký hiệu số 2 - nhựa HDPE: thường dùng sản xuất các chai đựng chất tẩy rửa, đồ gia dụng, nhớt, chất tẩy, lotion, dầu gội...
Ký hiệu số 3 - nhựa PVC: thường dùng sản xuất các chai đựng dầu giấm, hóa chất tẩy rửa
Ký hiệu số 4 - nhựa LDPE: thường dùng sản xuất các chai đựng chất lỏng lạnh, gia vị
Ký hiệu số 5 - nhựa PP: thường dùng sản xuất van, chai đựng sốt, thức ăn nóng
Ký hiệu số 6 - nhựa PS: thường dùng sản xuất hộp đựng mỹ phẩm, trang sức
Ký hiệu số 7 - nhựa cứng Polycarbonate và những loại nhựa còn lại, không phải 6 loại trên: thường dùng sản xuất các chai đựng thuốc diệt côn trùng
Nếu mẹ không thể thuộc hết các ký hiệu trên thì chỉ cần nhớ: chỉ chọn nhựa PP, PS; tuyệt đối tránh xa nhựa PVC nhé!
Chỉ mất 30 giây thôi, nhưng đọc nhãn mác sẽ giúp mẹ chọn được sản phẩm an toàn và tốt nhất cho con. Điều này quan trọng lắm đấy, đừng quên mẹ nhé!
Theo Trí Thức Trẻ