Lần đầu tiên tại Việt Nam, mô hình thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng (Thư viện) của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) được triển khai tại 2 trường mầm non huyện Đông Anh.
Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả trong tạo lập môi trường phát triển năng động, sáng tạo cho trẻ em.
Một không gian đáng yêu
9 giờ sáng, chúng tôi ghé thăm thư viện trường Mầm non xã Tàm Xá. Trong không gian rộng chừng 150m2, hàng chục trẻ đứng ngồi, ngả lưng êm ái trên những chiếc nệm nhiều màu sắc bắt mắt để đọc sách. Cách đó không xa, mấy đứa trẻ ê a nhắc lại lời cô Hoàng Thị Lan Phương - cán bộ quản lý thư viện. Từng từ tiếng Anh được cô giáo trẻ đọc chậm, kèm phần giải thích ngữ nghĩa thông qua hình ảnh trực quan sinh động, dễ hiểu...
Ở không gian ngoài trời, bé Lê Hà Mai Anh chăm chú với từng nét vẽ bức tranh phong cảnh. Phía góc sân, Nguyễn Hoàng Lâm cùng nhóm bạn say mê khám phá bài học về trọng lượng thông qua thí nghiệm về sự chìm, nổi của những vật dụng bằng kim loại, nhựa, xốp, với sự hướng dẫn của giáo viên.
Rời trường Mầm non xã Tàm Xá, chúng tôi chạy xe dọc đê Phương Canh tìm về trường Mầm non xã Đông Hội. Đón chúng tôi vẫn là những ánh mắt thơ ngây, đáng yêu của hàng trăm em nhỏ đang xum tụ trong Thư viện. Không chỉ thoải mái vui chơi, khám phá ở không gian ngoài trời, đám trẻ tinh nghịch còn lăn lê bò toài trên thảm cỏ xanh nhân tạo, nô đùa tự nhiên như đang... ở nhà.
Cần được nghiên cứu nhân rộng
Trường Mầm non xã Đông Hội và Tàm Xá là 2 cơ sở giáo dục của huyện Đông Anh và cũng là đầu tiên ở Việt Nam được nhận hỗ trợ từ UNICEF để xây dựng mô hình "Thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng". Theo chia sẻ của cô Dương Thị Phương - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Tàm Xá, khác những thư viện thông thường, Thư viện này được chia làm nhiều góc nhỏ như: Góc đọc, góc văn hóa bản địa, góc nghệ thuật, góc khám phá khoa học, góc cha mẹ thông thái... Môi trường Thư viện được kết nối với khu sân chơi ngoài trời giúp các em chủ động lựa chọn cách thức phát triển cả về nhận thức lẫn thể chất. Anh Phạm Ngọc Hội - phụ huynh có con đang theo học tại trường Mầm non xã Tàm Xá cho biết: Mấy bữa nay đi học về, con trai anh rất hào hứng khi kể về những hoạt động tại trường. Nhờ có Thư viện, cháu dường như hứng thú hơn với việc đến lớp.
Cô Hoàng Thị Chung - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Đông Hội cho biết thêm, Thư viện đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận tri thức cho nhiều đối tượng. Bên cạnh hỗ trợ cơ sở vật chất của UNICEF, nhà trường còn huy động sự tham gia của đông đảo phụ huynh trong bố trí, lắp đặt trang thiết bị. Với sự chung tay đóng góp tự nguyện của hội phụ huynh, nhà trường chủ động đầu tư thêm kinh phí mở rộng khu vui chơi, mua thêm nhiều loại sách phù hợp với các nhóm tuổi... Đến nay, số lượng đầu sách tại mỗi Thư viện đã lên tới trên 1.000 cuốn.
Dù chỉ mới được đưa vào sử dụng gần 2 tháng, nhưng mô hình Thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng đã tạo dựng môi trường phát triển cho trẻ, cũng như tăng cường năng lực chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, giáo viên. Do vậy, rất cần những nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá hiệu quả, tiến tới nhân rộng mô hình thư viện này trên bình diện toàn TP.
Theo Kinhtedothi