Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

EU cảnh báo hàng loạt sản phẩm Trung Quốc hại trẻ em


Châu Âu đang rà soát các sản phẩm có liên quan tới sức khỏe trẻ em và ra cảnh báo về 2/3 số các sản phẩm độc hại đến từ Trung Quốc.


Ngày 27/4, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) thông báo sẽ lật lại việc nghiên cứu về chất bisphenol A (BPA), một năm sau khi Liên minh châu Âu (EU) cho rằng chất này ​- hầu hết được sử dụng để tráng bề mặt lớp lót bên trong các lon kim loại đựng thực phẩm - không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.


Thông báo của EFSA nêu rõ tổ chức này đang thành lập nhóm chuyên gia nhằm đánh giá lại tác động của BPA sau khi Viện nghiên cứu quốc gia về y tế cộng đồng của Hà Lan công bố báo cáo làm dấy lên nhiều quan ngại chất này gây ảnh hưởng đối với hệ miễn dịch của thai nhi và trẻ nhỏ.


EU tăng cường xem xét chất tráng lớp lót trong bình sữa trẻ em.


Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng BPA còn có liên quan tới các vấn đề não bộ, hệ thần kinh, rối loạn khả năng sinh sản và hội chứng béo phì.


Thậm chí, theo một nghiên cứu năm 2013, thai nhi bị phơi nhiễm chất này còn có nguy cơ bị ung thư vú trong cuộc sống sau này.


BPA ngoài việc được sử dụng để tráng bề mặt thìa dĩa, lớp lót bên trong các lon kim loại đựng thực phẩm hoặc được dùng để sản xuất bình sữa cho trẻ nhỏ còn được sử dụng trong các tờ hóa đơn thanh toán bán lẻ, hóa đơn rút tiền mặt tại các máy rút tiền ATM, cũng như để tạo ra các hộp nhựađựng thực phẩm trong tủ lạnh hoặc các hộp nhựa sử dụng trong lò vi sóng.


Trong khi đó, trong báo cáo hàng năm về những sản phẩm tiêu dùng độc hại trên thị trường châu Âu (RAPEX) của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25/4, 2/3 sản phẩm tiêu dùng độc hại trên thị trường châu Âu đến từ Trung Quốc.


Năm 2015, có 2.072 sản phẩm được thông báo độc hại và 2.745 hoạt động được tiến hành nhờ hệ thống RAPEX. Trong số các sản phẩm được cảnh báo, đồ chơi (27%), quần áo và các sản phẩm thời trang (17%) là 2 chủng loại hàng hóa mà EC phải tiến hành nhiều biện pháp nhất.


Mặc dù có sự hợp tác về an toàn của sản phẩm nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất phần lớn các sản phẩm nguy hiểm. Không dưới 62% số lượng cảnh báo hồi năm ngoái liên quan đến sản phẩm của Trung Quốc, giảm 2% so với năm 2014.


Kể từ năm 2006, hợp tác giữa EU với Trung Quốc khiến giới chức Trung Quốc tiến hành hơn 3.000 lần thực hiện các biện pháp sau khi nhận được cảnh báo từ phía châu Âu. Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn khi 1/3 trường hợp không thể xác định được nguồn gốc của sản phẩm nguy hiểm.


EU cho hay họ đã đưa ra 2.072 cảnh báo về các sản phẩm không an toàn, từ đồ chơi trẻ em đến quần áo và các thiết bị gia dụng trong năm ngoái.


Xe thăng bằng dạng ván trượt hoverboard từ Trung Quốc gây nguy hiểm tới sức khỏe. Ảnh minh họa


Đồ chơi là sản phẩm bị chặn vào thị trường châu Âu nhiều nhất với 27% số hàng hóa không được nhập khẩu. Quần áo đứng thứ nhì với 17%, xe gắn máy theo sau với 10%. Các thiết bị điện và đồ trang sức cũng thuộc top hàng hóa bị chặn nhập khẩu vào EU.


Rủi ro nhiễm hóa chất là phổ biến nhất trong số các loại hàng hóa có vấn đề, theo sau đó là nguy cơ gây chấn thương, nghẹt thở, điện giật và cháy.


Trong số các sản phẩm nguy hiểm được EU công bố là mặt nạ dành cho trẻ em dễ gây cháy, có thể bị tháo rời và làm cho đứa trẻ nghẹt thở. Loại xe thăng bằng dạng ván trượt hoverboard có nguy cơ quá nóng khi sạc đầy, có thể bắt lửa và phát nổ.


Ngoài ra, bộ quần áo ngủ in hình chú bò dễ thương được sản xuất tại Trung Quốc cũng được dùng thuốc nhuộm có thể bị hấp thụ qua da và gây ung thư, làm đột biến tế bào và ảnh hưởng đến sinh sản.


Theo HNM