Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thai nhi 6 tuần tuổi – Chú nòng nọc đáng yêu


Trong tuần này, hình dáng của thai nhi không khác gì một 'chú nòng nọc'.

Trong tuần này, tay và chân của bé bắt đầu nhô ra từ vị trí hình thành cánh tay và cẳng chân trong tương lai. Thật ra, lúc này thai nhi vẫn chỉ được coi là một phôi thai và vẫn còn dấu tích của một cái đuôi nhỏ, là phần nối dài của xương cụt. Cái đuôi sẽ biến mất trong vài tuần và đó là phần duy nhất sẽ nhỏ lại. Dưới đây chính là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này.

Sự phát triển của thai nhi

Nếu mẹ theo dõi hình ảnh của thai nhi qua máy siêu âm trong tuần này, mẹ chắc chắn sẽ nhận ra thai nhi có hình dạng giống hệt như một 'chú nòng nọc' vậy. Cơ thể thai nhi trong tuần này sẽ được uốn cong lại giống như một chữ C và các ống thần kinh dọc theo phía sau thai nhi cũng ở dạng uốn cong. Ở phần cuối ống thần kinh sẽ có một điểm đậm giống như một vết sưng sẽ hình thành não bộ và đầu. Trong thực tế, não và tủy sống sẽ sớm trở thành các mô lớn nhất của phôi thai.

Trong tuần thứ 6 này, thai nhi có kích thước khoảng 5 tới 8 mm, gần bằng kích thước của một hạt đậu lăng tính từ đầu tới cuối hạt đậu.

Trong tuần thứ 6 này, thai nhi có kích thước khoảng 5 tới 8 mm, gần bằng kích thước của một hạt đậu lăng. (Ảnh minh họa)

Với sự trợ giúp của các thiết bị siêu âm, mẹ thậm chí cũng có thể nhận ra rằng tim thai đang đập trong giai đoạn này. Mặc dù tim đã đập và bắt đầu nhiệm vụ đẩy chất lỏng thông qua cơ thể chỉ 23 tới 25 ngày sau khi trứng rụng, phôi thai vẫn chưa phát triển hệ thống tuần hoàn đầy đủ với mạch máu.

Trong tuần này cũng có nhiều cơ quan bộ phận mới bắt đầu phát triển. Những vòng tròn dày sẽ bắt đầu hình thành ở cả hai bên đầu và sẽ phát triển thành mắt. Hệ tiêu hóa bắt đầu hình thành với sự phát triển của các tế bào gan. Các 'chồi' chân tay sẽ phát triển tại vị trí hình thành chân và tay của bé trong tương lai. Thêm vào đó, các lớp mỏng trong suốt đầu tiên, tức da cũng bắt đầu xuất hiện bao bọc phôi thai.

Sự thay đổi trong cơ thể mẹ

Trong tuần này, mẹ hầu như chưa hề thay đổi về hình dáng và chưa ra dáng một mẹ bầu, tuy nhiên bên trong cơ thể lại đang xảy ra những chuyển biến mãnh liệt. Hầu hết các mẹ cũng sẽ cảm nhận được vô cùng rõ rệt các dấu hiệu sớm của thai kỳ. Ngực của mẹ có thể bị đau tức, cảm giác buồn nôn và ói xuất hiện thường xuyên hơn không chỉ vào buổi sáng sớm. Thêm vào đó, sự thay đổi nội tiết tố cũng khiến mẹ đi tiểu tiện thường xuyên hơn. Các hormone thai kỳ thậm chí còn khiến mẹ cảm thấy buồn rầu vào tuần này, vì vậy mẹ đừng ngạc nhiên nhé. Ngoài ra, theo thống kê thì có đến 70% chị em bị ốm nghén chủ yếu trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Những lưu ý cần thiết cho mẹ

Với sự phát triển nhanh chóng của ống thần kinh và sự hình thành của hệ thống thần kinh trung ương trong những tuần qua, việc bổ sung axit folic để ngăn ngừa khuyết tật cột sống cho thai nhi là vô cùng quan trọng. Cụ thể, axit folic dưới dạng tổng hợp có tác dụng ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh và tủy sống. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ rằng nếu phụ nữ mang thai bổ sung đầy đủ lượng axit folic khuyến cáo trước và trong thai kỳ thì có thể hạn chế được 70% nguy cơ thai nhi mắc phải các dị tật nói trên. Ngoài việc bổ sung folate qua viên uống bổ sung, mẹ bầu cũng có thể sử dụng một số loại thực phẩm sau để bổ sung đầy đủ lượng axit folic trong thời kỳ mang thai như: ngũ cốc, đậu lăng, cải bó xôi, xúp lơ, măng tây, dưa vàng và trứng.

Cách dễ dàng nhất để bổ sung axit folic trong khẩu phần ăn uống hàng ngày là ăn ngũ cốc với sữa vào bữa sáng, hay rắc lên sữa chua ăn kèm. (Ảnh minh họa)

Theo Linh Hương (Theo Webmd) (Khám phá)