Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những vụ trẻ mang họa thương tâm vì tắm bình nóng lạnh sai cách


Chỉ vì một phút lơ là của người lớn, trẻ nhỏ có thể sẽ phải "mang họa", thậm chí tử vong do bình nóng lạnh - một đồ vật hết sức quen thuộc trong gia đình.

Bình nóng lạnh là vật dụng rất tiện lợi và phổ biến trong các gia đình hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, nếu sử dụng bình nóng lạnh không đúng cách, sẽ có rất nhiều nguy hiểm xảy ra. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ đã bị bỏng, điện giật, thậm chí tử vong vì tắm bình nóng lạnh sai cách:

Con bỏng nặng vì bố đột ngột chuyển từ lạnh sang nóng

Đầu năm nay, cư dân mạng Thái Lan xôn xao về bài học nhớ đời khi tắm cho trẻ sơ sinh với bình nóng lạnh của một ông bố trẻ sinh năm 1972. Theo lời kể của anh, vì thời tiết khá lạnh nên khi tắm cho con, anh dùng nước nóng.

Sau khi bỏ tã, cho con vào bồn tắm, ông bố trẻ vặn nước từ vòi, kiểm tra nhiệt độ nước và thấy vừa phải rồi thì quyết định ấn nút, chuyển nước sang chế độ vòi sen. Trong vài giây đầu, em bé đã hét lên, anh kinh hoàng bế con ra, vợ anh cũng nhanh chóng tắt vòi nước sau khi phát hiện nước từ vòi sen chảy ra với nhiệt độ cực cao. Tổng thời gian xảy ra sự việc chỉ khoảng 20 giây nhưng toàn bộ phần chân em bé bắt đầu đỏ rực lên. Khi được đưa vào bệnh viện, em bé đã bị bỏng độ 2, tức là vào khoảng 25-30%, trên da có một vài vết bỏng sâu nhưng may mắn không đáng kể.


Bình nóng lạnh là vật dụng rất tiện lợi và phổ biến trong các gia đình hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, nếu sử dụng bình nóng lạnh không đúng cách, sẽ có rất nhiều nguy hiểm xảy ra. (Ảnh minh họa)

Sự việc là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh khi tắm bình nóng lạnh cho trẻ nhỏ phải hết sức để ý tới vấn đề nhiệt độ nước. Khi muốn chuyển đổi từ vòi nước sang vòi sen và ngược lại, luôn phải kiểm tra một lần nữa, điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp mới cho con tiếp xúc.

Bé 2 tháng tuổi bỏng nặng vì mẹ gạt nhầm sang nước nóng

Cũng đầu năm 2016, khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mới chỉ 2 tháng tuổi, bị bỏng diện tích khá rộng 25-30% từ ngực xuống hai bên sườn, bộ phận sinh dục, một số chỗ bị bỏng sâu. Vì một phút lơ đãng mà người mẹ của em bé khi dùng vòi nước tráng người cho con sau khi tắm đã xả nhầm vòi nước nóng khiến bé bị bỏng từ phần ngực dọc theo sườn xuống chân.

Khi trẻ tắm cần có sự giám sát của người lớn, chú ý khi lấy nước tắm cho con thì nên lấy nước lạnh trước hoặc để nước ấm vừa đủ (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul khuyến cáo, khi trẻ tắm cần có sự giám sát của người lớn, chú ý khi lấy nước tắm cho con thì nên lấy nước lạnh trước hoặc để nước ấm vừa đủ, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên.

Bé 12 tuổi tử vong do rò rỉ điện từ bình nóng lạnh

Ngày 16/9/202,cô bé Lê Ngọc Huyền (Thanh Hóa) tử vong do rò rỉ điện từ bình nóng lạnh. Được biết, khoảng chiều tối, Huyền đi tắm gội, khi vừa chạm tay vào vòi hoa sen thì bị nguồn điện rò rỉ giật ngã trong nhà tắm.

Thấy con gái ở trong nhà tắm khá lâu mà không ra, mẹ của em vào thì Huyền đã nằm gục dưới đất, toàn thân thâm tím. Huyền được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nhưng em đã tử vong trước khi tới nơi.

Biện pháp an toàn nhất để ngăn ngừa những tình huống thương tâm và đáng tiếc như trên, theo các chuyên gia, vẫn là bật nước nóng trước, chờ đủ thời gian làm nóng thì ngắt hẳn nguồn điện vào bình rồi mới bắt đầu dùng nước. Mặc dù bình nóng lạnh có hoạt động tốt, có trang bị rơ-le chống giật nhưng nếu người dùng tắm trong lúc nguồn điện vào bình vẫn đang chạy thì nguy cơ bị giật điện vẫn có thể xảy ra.

Theo La La (TH) (Khám phá)