Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP HCM: Nhiều khó khăn trong giáo dục mầm non công lập


Những khó khăn về đội ngũ nhân lực, cơ chế chính sách cũng như cơ sở vật chất tạo nên nhiều rào cản đối với giáo dục mầm non công lập.


Ngành giáo dục - đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non. Thế nhưng, những khó khăn về đội ngũ nhân lực, về cơ chế chính sách cũng như cơ sở vật chất vẫn tạo nên nhiều rào cản đối với lĩnh vực này.


Hiện nay, Thủ Đức và Bình Tân là 2 quận thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Riêng quận Thủ Đức từ đầu năm nay đã tổ chức thí điểm nhận giữ trẻ theo ca, mỗi trường 6 lớp với 2 khung giờ là từ 6 đến 14h và 14 đến 21h.


(Ảnh minh họa)


Cả quận có gần 8.850 trẻ là con em công nhân dưới 5 tuổi cần theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non. Nhu cầu này rất lớn, đặc biệt là với nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, nhưng đa phần phụ huynh vẫn phải gửi con tại các trường ngoài công lập hoặc nhóm lớp do hệ thống trường mầm non công lập chưa đáp ứng một số tiêu chí.


Do vậy, chẳng những các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố không hấp dẫn được phụ huynh gửi trẻ mà còn chật vật trong việc tuyển và giữ chân nhiều vị trí. Trong đó, khó khăn nhất là đội ngũ nhân viên cấp dưỡng.


Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Thủ Đức phân tích: "Chính nhân viên cấp dưỡng trong ngành mà lương khởi điểm chỉ một chấm. Một chấm theo lương cơ bản thì được 1.150.000 đồng cộng với tiền thêm giờ, tiền hỗ trợ của Nghị quyết 01, cộng lại chưa tới 2,5 triệu đồng. Trong khi đó ở các trường mầm non ngoài công lập, lương tối thiểu vùng khởi điểm đã là 3,5 triệu đồng".


Là mô hình thí điểm nên hiện tại ngành Giáo dục - đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chưa đưa ra quy định mức thu ngoài giờ của các cơ sở giáo dục mầm non. Do đó, mức lương tăng thêm của giáo viên phụ thuộc vào nguồn thu thỏa thuận với phụ huynh, dao động từ 10 đến 20.000 đồng/giờ/trẻ tùy nơi.


Mỗi năm, mặc dù thành phố có hỗ trợ một giáo viên 200 giờ làm thêm nhưng hiện tại, theo chia sẻ của nhiều địa phương, việc chi trả lương vẫn chưa tương xứng với sức lao động mà các giáo viên mầm non bỏ ra. Khó khăn sẽ càng lớn hơn đối với giáo viên đảm trách nhóm trẻ dưới 18 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.


Bà Trần Bích Ngọc, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 7 cho biết: "Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về giờ làm việc của giáo viên mầm non chỉ có 6 giờ, nhưng thực tế hiện nay, các giáo viên của chúng tôi làm trên 11 giờ. Do đó, nếu làm ở trường mầm non khu chế xuất như vậy thì chúng tôi cần có thêm biên chế giáo viên cho những cô làm ngoài giờ. Đồng thời, chế độ chính sách phải thỏa đáng".


Ngoài ra, việc quy định không có chức danh nhân viên phục vụ trong Thông tư 06 của Bộ Nội vụ cũng khiến các trường băn khoăn. Vì trước đây, mỗi trường mầm non có khoảng 2 nhân viên phục vụ để lo công tác vệ sinh. Giờ nếu không có vị trí này, nguy cơ mất an toàn vệ sinh dẫn đến dịch bệnh rất có thể xảy ra.


Thông tư này cũng quy định, 4 vị trí việc làm là kế toán, thủ quỹ, văn thư và nhân viên y tế tại các trường mầm non giờ chỉ còn lại 2 biên chế. Đây là khó khăn rất lớn đối với các trường vì khó thực hiện khi áp dụng kiêm nhiệm các vị trí quá khác biệt về chuyên môn.


Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Bình Tân trăn trở: "Ở đây vị trí kế toán chỉ có thể được phân thêm nhiệm vụ làm y tế. Nếu ở trường có từ 400-500 học sinh, một kế toán giờ kiêm thêm nhiệm vụ y tế liệu có đảm bảo cho trẻ hay không? Đa số hiện tại các trường đang chọn vị trí cho dư là nhân viên y tế. Nhưng nhân viên y tế đó nếu đưa qua trường mới liệu có làm kế toán được hay không?".


Những khó khăn, bất cập không dừng lại ở cơ chế, chính sách vì hiện nay hệ thống cơ sở vật chất cho bậc học mầm non tại thành phố nhiều nơi vẫn chưa đồng bộ do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các công trình mới chậm triển khai.


Do vậy, đại diện nhiều Phòng Giáo dục - đào tạo đề xuất, ngay từ năm học này, thành phố cần bổ sung thêm các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp các địa phương sớm hoàn thiện hệ thống giáo dục mầm non./.


Theo VOV