Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đọc sách cho trẻ nghe còn tốt hơn nghe nhạc giao hưởng nhiều


"Trẻ nhỏ học được nhiều hơn từ những việc ta làm hơn là những gì ta nói. Cha mẹ thích đọc sách sẽ cho con của mình thấy được đọc sách là một việc thú vị, bổ ích, và cực kì đáng giá." M.D.R. Evans.

Đặc điểm nào là thứ quan trọng nhất mà bạn muốn con mình được phát triển? Nếu như bạn cũng giống như mọi vị phụ huynh ngoài kia, trí thông minh có lẽ sẽ luôn đứng đầu trong danh sách đó. Ta luôn muốn những đứa trẻ thông minh, sáng sủa, bởi vậy mà bạn đã phải bỏ rất nhiều thời gian để chọn ngôi trường phù hợp, nhờ cậy giáo viên, mua những đĩa nhạc cổ điển đắt tiền, hay những đồ chơi thông minh mà chưa chắc con bạn đã hứng thú.

Trước đây, và cho đến tận bây giờ, các vị phụ huynh thường hay có thói quen cho con mình nghe nhạc cổ điển từ khi còn trứng nước, với hi vọng có thể giúp chúng trở nên thông mình hơn - hay còn gọi là "Hiệu ứng Mozart'". Nhưng họ đã nhầm.

Có những nghiên cứu và thống kê cho thấy một hiệu ứng nhỏ lẻ, kích hoạt bởi tất cả các thể loại âm nhạc. Một nghiên cứu trên 800 trẻ nhỏ tại Anh thấy rằng nghe Mozart's String Quintet cung Rê trưởng trong 10 phút cũng cải thiện khả năng dự đoán hình dáng, nhưng cho nghe nhạc pop còn cho thấy hiệu quả lớn hơn nhiều.

Bởi vậy dường như nghe nhạc cho ta những cải thiện ngắn hạn trong khả năng dự đoán, nhưng chẳng có tác dụng mấy với nâng cao trí thông minh dài hạn.

Daniel Willingham, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia, đã chỉ ra có những bằng chứng rằng trẻ em học được nhiều điều hơn nếu được nghe đọc từ cha mẹ, và việc học tập này mang tính tích lũy. Cải thiện việc học hỏi thuở ban đầu, cũng sẽ giúp xây dựng nền tảng cho việc học sau này.

"Được cha mẹ đọc cho nghe khiến trẻ nhỏ thông minh hơn nhiều, rất nhiều so với Hiệu ứng Mozart" - Willingham viết.

Bởi vậy, hãy bắt đầu tập cho bạn và con của bạn thói quen đọc sách mỗi ngày, nếu như bạn muốn con mình phát triển hoàn thiện hơn. Hãy nhớ: làm cha mẹ, nghĩa là bạn có quyền và năng lực để kích thích tiềm năng học hỏi của con trẻ đơn giản chỉ bằng cách khiến cho sách trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng.

Dưới đây là một vài lợi ích cho thấy tầm quan trọng của việc đọc sách cho con mình trong độ tuổi từ hai tới năm tuổi.

1. Tạo mối quan hệ bền chặt hơn với bạn. Khi con bạn lớn lên, bé sẽ bắt đầu chơi đùa, chạy nhảy, và liên tục khám phá môi trường xung quanh mình. Cùng nhau đọc một cuốn sách sẽ giúp bạn và con mình chậm lại và có lại được những khoảng thời gian ngọt ngào và vui thích giữa hai người. Không giống như một công việc hay nhiệm vụ phải hoàn thành, đọc sách sẽ trở thành một hoạt động nuôi dưỡng có thể đưa bạn và bé tới gần nhau hơn.

2. Xuất sắc trong học tập. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc đọc sách cho con trẻ chính là đem lại khả năng học tập về cơ bản cao hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy học sinh được tiếp xúc với việc đọc trước khi đi học thường có kết quả tốt trong mọi mặt của giáo dục chính quy. Sau cùng, nếu một học sinh gặp khó khăn chỉ với câu chữ, thì sao bé có thể nắm bắt được khái niệm của toán, khoa học, và các vấn đề xã hội khi đặt chân vào trường tiểu học?

3. Khả năng nói cơ cản. Trong giai đoạn đầu đời trước khi đi học, con bạn sẽ học những ngôn ngữ và kỹ năng phát âm cực kì quan trọng. Bằng cách nghe cha mẹ đọc sách, bé sẽ được tiếp xúc nhiều hơn với những âm thanh cơ bản tạo ra ngôn ngữ. "Giả vờ đọc" - khi trẻ lật những trang sách với những âm thanh của sự vui thích - là một hoạt động cực kì quan trọng trước khi biết chữ.

 


4. Những điều cơ bản để có thể đọc một cuốn sách. Trẻ em không được sinh ra với kiến thức có sẵn trong đầu rằng chữ cần đọc từ trái qua phải, hay từ ngữ và tranh ảnh trong một trang sách là tách biệt với nhau. Những kỹ năng cần thiết trước khi biết đọc như vậy chính là một trong những lợi ích chính của việc đọc sách từ khi còn nhỏ.

5. Khả năng giao tiếp tốt hơn. Khi bạn dành thời gian đọc sách cho con mình, chúng thường sẽ bộc lộ bản thân và liên kết với những thứ xung quanh theo một cách rất lành mạnh. Bằng cách quan sát sự tương tác giữa những nhân vật trong cuốn sách bạn đang đọc, cũng như việc tiếp xúc với bạn trong quá trình kể chuyện, con của bạn sẽ có được những kỹ năng giao tiếp đáng giá.

6. Làm chủ ngôn ngữ. Trẻ em được nghe đọc sách sớm sẽ có khả năng nắm bắt tốt hơn những nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ khi chúng đến tuổi đi học.

 


7. Có nhiều hơn những kỹ năng suy nghĩ logic. Một ví dụ nữa của tầm quan trọng của đọc sách cho trẻ nhỏ chính là khả năng nắm bắt những khái niệm trừu tượng, áp dụng logic vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhận biết nguyên nhân và hệ quả, và đưa ra những phán đoán tốt. Khi con bạn bắt đầu liên hệ những kịch bản trong một cuốn sách tới những gì xảy ra trong thế giới riêng của mình, bé sẽ trở nên hứng thú hơn với câu chuyện mà bạn chia sẻ.

8. Thích nghi với những trải nghiệm mới. Với việc con bạn tiếp cận một cột mốc lớn trong sự phát triển hay một trải nghiệm tiềm tàng sự căng thẳng, chia sẻ một câu chuyện liên quan là một cách rất tuyệt để khiến cho sự chuyển đổi trở nên dễ dàng hơn. Lấy ví dụ, nếu bé con của bạn đang lo lắng về ngày đầu đi học, đọc một câu chuyện về vấn đề này sẽ cho thấy lo lắng của bé là chuyện hoàn toàn bình thường.

9. Nâng cao tính kỉ luật và sự tập trung. Trẻ nhỏ thường hay lúng túng và bị phân tâm trong thời gian nghe kể chuyện, nhưng dần dần chúng sẽ học được cách ngồi yên xuyên suốt cuốn sách. Cùng với khả năng đọc hiểu sẽ là tính tự giác cao hơn, khả năng tập trung lâu hơn, và duy trì trí nhớ tốt hơn, tất cả đều sẽ phục vụ con bạn khi chúng bắt đầu đi học.

10. Cho con bạn thấy đọc sách là một việc đầy lý thú. Đọc sách cho con trẻ từ nhỏ sẽ giúp chúng coi sách như một niềm đam mê. Trẻ em được tiếp xúc với đọc sách thường sẽ chọn sách thay vì video game, tivi, và những hình thức giải trí khác khi chúng lớn lên.

Sách có khả năng đem lại lợi ích cho trẻ nhỏ từ khi biết đi cho tới tuổi đi học theo rất nhiều cách. Là phụ huynh, đọc sách cho con bạn là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để chuẩn bị cho bé một nền tảng cho việc học tập.

Theo Lamchame.com