Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những điều mẹ còn chưa biết.


Ngay từ tháng mang thai thứ 4 và thứ 5, tuyến hormon của ngực đã bắt đầu tạo sữa. Nhưng để khởi động tuyến này thì lại là công việc của trẻ sơ sinh.

 Sự chuẩn bị của tuyến sữa

Ngay khi vừa ra đời, chỉ với lần bú đầu tiên, đứa trẻ đã tạo ra điều kỳ diệu - dòng sữa mẹ. Tại thời điểm này có hai tuyến hormon cùng hoạt động: prolactin và oxytocin. Prolactin để tạo sữa, còn oxytocin làm cho sữa tiết ra. Những giọt sữa đầu tiên mà trẻ bú được gọi là sữa non, có màu vàng, dù là ít ỏi nhưng vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh vì nó chứa rất nhiều chất đạm và những kháng thể quan trọng.

Tuyến sữa bắt đầu hoạt động tích cực từ 3-4 ngày sau sinh. Đồng thời ngực của người mẹ sẽ cương lên và có thể đau khi ấn mạnh. Thỉnh thoảng có khi người mẹ bị sốt nhẹ. Điều này không có gì đáng lo ngại vì đó là tiến trình bình thường của quá trình tạo sữa.

Ngay lập tức cơ thể của người mẹ sẽ cung cấp đủ sữa theo nhu cầu bú của từng đứa trẻ. Nếu trẻ bú không đủ no, thì qua nhiều lần cho bú trong một khoảng thời gian ngắn, lượng sữa mẹ sẽ tự tăng. Ngay cả việc tổng hợp nguồn dinh dưỡng cho sữa mẹ cũng thay đổi thường xuyên. Sữa mẹ luôn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cần thiết phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Đối với cơ thể người mẹ thì việc cho con bú có nhiều tác dụng có lợi và tích cực như: tuyến hormon oxytocin được điều tiết trong quá trình cho bú còn giúp các cơ của dạ con co lại và hỗ trợ cho quá trình phục hồi của mẹ sau sinh. Trong lúc cho con bú thỉnh thoảng người mẹ thấy đau đó là đau co dạ con. Những cơn đau này kích thích chảy máu sau sinh. Lượng máu sau sinh càng ra nhiều thì càng giảm độ viêm nhiễm cho dạ con.

Ăn đủ chất, uống đủ nước

Để bảo đảm được đủ chất dinh dưỡng cho sữa mẹ và trẻ được no thì người mẹ phải quan tâm đến chất lượng bữa ăn và uống nhiều nước. Người mẹ không thể vội nghĩ đến việc giảm cân gấp trong lúc này. Nếu như việc tăng cân của bạn trong quá trình mang thai kéo dài 9 tháng, thì bây giờ cũng phải mất chừng đó thời gian để bạn lấy lại cơ thể ban đầu trước lúc mang thai.

Chế độ ăn kiêng lúc này là hoàn toàn sai lầm. Ăn kiêng khi cho con bú sẽ dẫn đến những vấn đề về tuần hoàn máu, không đủ sữa cho con bú hoặc sữa bị thiếu chất. Hơn nữa trong thời gian này cơ thể người mẹ cần nhiều năng lượng hơn bình thường là 600 calo/ngày.

Tạo một chế độ ăn uống hợp lý

Một tuần nên ăn cá biển 2 lần để bảo đảm lượng iốt (rất quan trọng cho tuyến giáp). Ăn các sản phẩm ngũ cốc – bảo đảm chất xơ, các vitamin B1, B6, chất sắt – là những chất rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa, trao đổi chất, thần kinh và tạo máu. Các loại thực phẩm kích thích quá trình tạo canxi như các loại rau xanh: bắp cải xanh, giá đỗ, rau ngót, xu hào..., hoa quả, sữa chua hay cá có mỡ như cá hồi, cá basa – những thức ăn này rất quan trọng cho việc tạo xương và răng.

6 bữa ăn nhỏ hằng ngày sẽ tốt cho bé và cơ thể của mẹ hơn là chỉ ăn thành 3 bữa chính. Hãy chuẩn bị những món ăn dễ nấu hoặc dễ hâm nóng để tiết kiệm thời gian và đỡ mệt mỏi. Việc ăn một số hoa quả chua hay các loại đậu hạt sẽ làm trẻ dễ bị hăm và đầy bụng theo như quan niệm truyền thống là không có cơ sở khoa học.

Mỗi đứa trẻ phản ứng theo cách riêng của mình. Người mẹ cần phải thử nghiệm và sẽ dần dần tìm được thức ăn không thích hợp với con mình.

Bên cạnh chế độ ăn hợp lý thì việc uống nhiều nước cũng không kém phần quan trọng. Ít nhất người mẹ phải uống từ 2-3 lít nước một ngày. Tốt nhất bạn luôn để cạnh mình một cốc nước đầy. Đối với việc uống nước cũng phải thử nghiệm. Loại nước hoa quả hay nước chè nào bé chấp nhận? Trong mọi trường hợp thì nước khoáng không ga luôn thích hợp nhất.

Dùng thuốc khi cho con bú

Nếu bạn bị ốm, bạn nên đến bác sĩ điều trị và phải nói cho bác sĩ biết bạn đang cho con bú. Có nhiều loại thuốc đi vào sữa mẹ và gây tác hại cho trẻ nhỏ. Bác sĩ kiểm tra và tùy từng trường hợp nguy cơ riêng và cần thiết mà quyết định kê đơn loại thuốc nào cho bạn, nhưng nguyên tắc chung là:

- Cố gắng hạn chế uống thuốc;

- Không tự định liều lượng;

- Trong trường hợp không rõ ràng phải hỏi ngay bác sĩ;

Trong những trường hợp không thể tránh được việc uống những loại thuốc mạnh, điều đó cũng không hẳn là bạn phải cai sữa ngay cho bé. Nếu bạn phải uống thuốc đó trong vài ngày thì bạn vắt bỏ sữa đó đi trong thời gian uống thuốc và tạm cho bé ăn sữa ngoài. Khi hết dùng thuốc lại cho bé bú trở lại bình thường.

Chăm sóc ngực

Ngực mẹ, đặc biệt là núm vú rất dễ bị tổn thương trong quá trình cho con bú, nên rất cần được chăm sóc. Hãy tránh làm khô đầu vú bằng các sản phẩm như xà phòng. Nó sẽ làm mất lớp axít bảo vệ trên bề mặt da ngực của bạn và làm cho đầu vú bị đỏ lên.

Nếu bạn vẫn còn ra máu sau sinh thì bạn không nên tắm bồn. Vì thời điểm còn ra máu sau sinh có vô số các loại vi khuẩn tác động lên ngực bạn và gây viêm nhiễm. Bạn chỉ nên tắm đứng và rửa ngực bằng nước sạch. Bạn cứ để sữa còn lại sau khi cho bú tự khô vì nó sẽ tạo ra sự chống viêm nhiễm tự nhiên nhất.

Bạn nên mang loại áo ngực không quá chật, áo phải tạo được sự thoải mái để đỡ bộ ngực. Nếu được, bạn hãy lót một lớp vải mềm để thấm sữa thừa chảy và chống làm xây xát tổn thương đầu vú. Đôi khi cũng xảy ra chuyện sữa tự chảy khi bạn nghĩ đến con bạn hoặc nhìn thấy một người mẹ khác đang cho con bú. Ngay cả khi cho con bú, bạn cũng cần tấm vải thấm sữa này vì khi con bạn bú một bên thì bên kia cũng có thể chảy sữa ra. Và nếu khăn này ướt thì bạn phải thay ngay vì các vi khuẩn rất dễ sinh sôi trong môi trường ẩm ướt và sẽ làm tổn thương đầu vú của bạn.

(Còn nữa)

 Theo Triệu Thị Tuyết Hoa