Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng thấy con ho là “cắt” đi tôm, cua, gà của con


Chuyên gia dinh dưỡng khuyên đừng thấy con ho là "cắt" đi tôm, cua, gà của con vì sẽ làm trẻ thiếu dưỡng chất và cũng chưa có chứng cứ khoa học nào nói thực phẩm này làm ho nặng hơn như nhiều cha mẹ nghĩ.


Theo quan niệm dân gian, khi trẻ bị ho cần phải kiêng ăn tất cả các món tanh như tôm, cua, gà... vì thực phẩm này sẽ khiến bệnh của trẻ nặng hơn.


Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng đây là quan niệm sai lầm.


Ho là do bệnh lý với nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do ăn uống. Nói ăn tôm gây ho bởi phần vỏ và càng của nó khi ăn nếu không bóc vỏ, bỏ càng sẽ dễ mắc ở cổ họng gây ngứa và ho. Còn phần thịt tôm, cua, cá không gây ho mà trong chúng chứa rất nhiều chất, dễ tiêu hóa.


Và trong khi thịt gà chứa rất nhiều protein, nhất là kẽm - một trong những chất dinh dưỡng rất quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch, làm tăng sức đề kháng.


Riêng trường hợp trẻ bị hen suyễn thì nên kiêng tôm, cua, thịt gà vì chúng dễ gây dị ứng khiến bé lên cơn hen, có thể nguy hiểm tới tính mạng.


Trẻ bị ho vẫn cần được ăn đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng nhóm thức ăn. Ảnh minh họa


Bởi vậy, cha mẹ đừng thấy con ho là "cắt" đi tôm, cua, gà của con. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng là biện pháp rất cần thiết để trẻ nhanh chóng phục hồi, tăng sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ nên làm đa dạng bữa ăn để trẻ được thay đổi khẩu vị, ăn được nhiều hơn và mau khỏe hơn.


Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị ốm, ho, cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đến chán ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn.


Cách ăn đúng cách khi trẻ ho là cha mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa và đa dạng món để trẻ đỡ chán.
Thức ăn không nên nấu loãng hơn thường lệ vì điều đó khiến trẻ đã ăn ít lại càng bị thiệt thòi về chất dinh dưỡng. Trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa...


Nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như: các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ. Vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị sốt kèm theo tiêu chảy.


Trẻ bị ho không nên cho ăn những đồ đông lạnh bảo quản trong tủ lạnh mà chưa qua giã đông hoặc làm nóng. Nó dễ gây kích thích cổ họng, làm triệu chứng ho và ngứa rát tăng lên.


Khi cơ thể nhiễm lạnh dễ gây ra tổn thương cho phổi mà ho phần lớn do các bệnh ở phổi gây ra. Nếu ăn các thực phẩm lạnh dễ gây ra tắc khí ở phổi và khiến cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.


BS Hải cũng cho hay, vỏ tôm không tốt đối với trẻ đang ho nhưng lại rất tốt khi mẹ cần tăng can xi cho trẻ. Mọi người cần chú ý đến cách chế biến để không làm thất thoát chất dinh dưỡng.


Đa phần mọi người cho rằng cứ ăn tôm là yên tâm có nhiều canxi nên chỉ ăn phần thịt tôm, bóc hết phần vỏ tôm. Nhưng thực chất, lượng canxi chủ yếu trong vỏ tôm còn phần thịt tôm chỉ cung cấp chất đạm là chính.Trẻ nhỏ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt, có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, táo bón hoặc thừa cân, béo phì.


Nếu muốn cung cấp canxi cho cơ thể, bạn có thể chọn các loại tôm nhỏ để ăn được cả vỏ. Cũng như ăn cua nên chọn cua đồng để chế biến.


Theo Báo Gia đình & Xã hội