Những cách ăn làm con lùn tịt nhiều bà mẹ mắc phải " Ăn uống, khẩu phần canxi chưa đáp ứng được nhu cầu là nguyên nhân khiến trẻ dù đã bổ sung các dưỡng chất tăng chiều cao cho con mà chiều cao của trẻ cứ giậm chân tại chỗ" - PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết. Tại buổi hội thảo khoa học "Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam" do Viện dinh dưỡng quốc gia vừa tổ chức, PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, thể trạng của người Việt Nam hiện nay vẫn thấp, lùn. Theo đó, trong 30 năm qua chiều cao người Việt mới có sự cải thiện với chiều cao trung bình hiện tại của nam giới là 164,4 cm và của nữ là 153,4 cm. Tốc độ tăng chiều cao của nam giới cao hơn nữ giới, nhưng tính trung bình mới chỉ tăng khoảng 1-1,5 cm trong một thập kỷ. Chỉ so với Nhật Bản, mấy thập kỷ trước họ còn bị gọi là lùn thì nay chiều cao trung bình nam giới của họ đã hơn 8cm với nam giới Việt. Nguyên nhân của việc này là do ăn uống, khẩu phần canxi chưa đáp ứng được nhu cầu. Thiếu canxi gây nhiều hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe đặc biệt tăng nguy cơ bị loãng xương, gãy xương và suy dinh dưỡng thấp còi. C hính những cách ăn làm thất thoát canxi hay cách ăn làm con lùn tịt nhiều người vẫn đang làm gây ra tình trạng thiếu hụt canxi: Thói quen ăn mặn Ăn mặn là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thấp, lùn. Ảnh minh họa Thói quen ăn mặn vượt quá hàm lượng muối theo tiêu chuẩn xảy ra hầu hết ở các gia đình Việt, nhất là các gia đình nông thôn. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cho thấy, trung bình người dân tại đây dùng tới 15,3gram muối/ngày, trong khi đó khuyến cáo của tổ chức y tế chỉ có dưới 5gram/ngày. Nếu tính trung bình, người Việt chúng ta đang ăn lượng muối gấp ba so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khi lượng rau thì gần 30 năm, tính từ điều tra năm 1985 đến nay dường như không thay đổi, vẫn chỉ ở mức 200 gr/người/ngày, trong khi khuyến cáo là 400gr. Thói quen ăn uống thừa đạm, thiếu canxi, ăn thủy sản và ăn quá mặn chính là nguyên nhân gây thấp lùn ở người Việt. Giải thích điều này, PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng, ăn mặn tạo lên một môi trường toan và trong sữa có nhiều canxi là yếu tố gây kiềm. Khi cân bằng nội môi của mình bị toan hóa hoặc sẽ đào thải ra nước tiểu nhiều natri hơn làm toan hóa nước tiểu. Điều đó lại làm thúc đẩy cơ thể lấy canxi (yếu tố gây kiềm) để trung hòa bớt độ toan trong nước tiểu giữ bình ổn cân bằng nội môi nhằm duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể, đảm bảo cho các hoạt động sống diễn ra bình thường. Ngoài ra, ăn mặn cũng liên quan đến áp lực thẩm thấu ở trong lồng mạch, là nguyên nhân tăng huyết áp. Bởi vậy, những người cao huyết áp khuyến cáo ăn nhạt. Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp. Lượng muối tiêu thụ tối đa trong một ngày chỉ nên dừng ở mức 6 g, tương ứng với 1 thìa cà phê. Ăn nhiều protein, tăng sử dụng nước ngọt có ga Chế độ ăn nhiều protein làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu. Đây chính là nguyên nhân gây thiếu canxi, tác nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi. Ngoài ra, bọt khí trong nước uống có ga chứa chất hóa học "ăn mòn" canxi của xương ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của bé và khiến trẻ bị lùn. Con bạn có thể bị lùn hơn so với ngưỡng chiều cao mà bé có thể đạt được nếu như cho uống nước có ga quá nhiều. Lượng protein trong khẩu phần nên vừa phải, nếu ăn nhiều protein phải đảm bảo đủ canxi và nên cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây. Sự thiếu hụt canxi cũng do thiếu vitamin D để tăng hấp thụ canxi. Người Việt mới đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu vitamin D (vì ít thực phẩm có lượng vitamin D đáng kể, thực phẩm giàu vitamin D là dầu gan cá thì tiêu thu thấp), còn lại đến 90% phụ thuộc vào nguồn bổ sung, chủ yếu là tắm nắng thì người Việt lại từ chối vì sợ đen. Nguồn canxi giá trị sinh học cao còn hạn chế Nguồn thức ăn không đủ can xi cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng thấp lùn của người Việt. Sữa là nguồn giàu canxi, dễ hấp thụ, nhưng chưa là khẩu phần bình thường trong bữa ăn mà chỉ dành cho trẻ em, người ốm, người già. Người Việt thường nghĩ rằng cung cấp đủ canxi qua thực phẩm trong khi nếu tận dụng lượng canxi từ hải sản như cua, tôm, cá nhiều canxi thì phải ăn cả mai và yếm cua, cá ăn cả xương. Nhiều mẹ chỉ hấp lên và gỡ phần thịt cua, hay đầu tư mua những loại tôm đắt tiền nhưng cũng chỉ gỡ được phần thịt với lượng canxi không đáng bao nhiêu trong khi lẽ ra phải ăn những loại tôm đồng nhỏ, tép...Bởi những thói quen này mà nguồn cung cấp canxi từ thực phẩm quen thuộc của người Việt rất dồi dào nhưng chế độ ăn uống vẫn không thể cung cấp đầy đủ canxi nên ảnh hưởng rất nhiều tới chiều cao của trẻ. Theo các chuyên gia, khẩu phần canxi cao ở tuổi nhỏ sẽ giúp tăng mật độ xương 10% ở giai đoạn dậy thì, giúp người trưởng thành có nguy cơ loãng xương tốt hơn. Qua phân tích 7 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng và 5 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên trẻ em cho thấy: Bổ sung sữa đã giúp cải thiện khoảng 0,4 cm/năm. Chiều cao của trẻ em Nhật Bản đã được cải thiện nhờ vào việc đưa sữa vào chương trình bữa ăn học đường Quốc gia. Hàng ngày mọi người nên dùng 3 loại sản phẩm sữa gồm sữa chua, phô mai và sữa dạng lỏng để đa dạng hóa về sự lựa chọn, sản phẩm và tối ưu hóa thành phần dinh dưỡng của từng loại sản phẩm. Trong 100 g sữa tươi có 120mg canxi; 100g phomai có 720mg canxi; 100g sữa chua có 65 - 150mg canxi. Phương Thuận (Báo Gia đình & Xã hội)
|