Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những câu nói đùa tai hại khi trẻ sắp có em


Bố mẹ không nên áp đặt suy nghĩ: 'Đã là anh, chị thì phải nhường em hết' vì trẻ con sẽ bị tổn thương khi bố mẹ đối xử thiên lệch.


Nhiều gia đình, khi mẹ bắt đầu có bầu và sinh bé thứ 2, bố mẹ hay người lớn trong nhà thường nói đùa với bé lớn những câu tưởng chừng vô hại nhưng có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ. Chị Minh Hằng, một bà mẹ có hai bé gái, bé Na 5 tuổi và bé Bống 2 tuổi, quận Long Biên Hà Nội, đã chia sẻ những câu chuyện nhỏ về phản ứng của bé Na khi nghe người lớn trêu chuyện bé có em đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.


1. 'Con sắp bị ra rìa rồi'
Ở tuổi của các bé chưa thể hiểu được hết nghĩa của câu nói "bị ra rìa" nhưng nếu bé nghe nhiều lần từ nhiều người thì bé có thể lờ mờ đoán ra được. "Bé Na có lần đã nói với mình rằng, ông nội bảo bị ra rìa nghĩa là sẽ đuổi ra khỏi nhà", chị Hằng tâm sự. Hầu hết các bé đều không hỏi lại người lớn xem "tại sao có em bé thì con lại bị ra rìa?" mà chỉ "âm thầm" lo lắng và quan sát thái độ của bố mẹ để xem bé có bị "đuổi ra khỏi nhà hay không". Theo chị Hằng, dù chỉ là một câu nói đùa nhưng bố mẹ của bé và người thân trong nhà cũng không nên nói câu này với bé. "Khi có thêm em, trẻ con cũng lo lắng, tự ti, cần người lớn chia sẻ", chị Hằng cho biết.


2. 'Mẹ chỉ yêu em Bống thôi, hết yêu chị Na rồi'
Đôi khi, người lớn nói như vậy khi cưng nựng em bé mới sinh nhưng vô tình làm tổn thương bé lớn. "Bé cảm nhận được 'nguy cơ' bị giảm yêu thương từ mẹ sau khi nghe câu này", chị Hằng chia sẻ. Nghe câu nói đó, có bé chỉ ngồi im rồi chạy ra ôm cổ mẹ, thơm mẹ, có bé chạy lạ đẩy em ra nhưng cũng có bé phản ứng mạnh, giận dữ và "lén" đánh em... cho bõ tức. Theo chị Hằng, "khi sinh thêm bé Bống, mình thực sự thương con bé Na lắm. Mới bé tí mà nó đã phải chia mẹ với em rồi. Vì vậy, chẳng bao giờ mình lại nói câu đó với con".


Bố mẹ cần đối xử công bằng giữa các con để trẻ cảm nhận được tình yêu thương. Ảnh: CN.


3. 'Bố (mẹ) chỉ cho em Bống đi chơi, cho chị Na ở nhà'
Trẻ sẽ "tị nạnh" với em khi nghe bố mẹ nói câu này. Dù trước đó bé đã mắc lỗi thì bố mẹ cũng không nên nói như vậy. Bé có thể nghĩ rằng vì có thêm em nên bé bị để ở nhà, không được đi chơi nữa. Đối với trường hợp này, bố mẹ hãy giải thích cho bé hiểu lý do không thể đưa bé đi cùng. Chị Hằng cho biết, bình thường, người lớn không nên nói với bé câu này để tránh việc bé tị nạnh với em và cảm giác mình bị bố mẹ "bỏ rơi".


4. 'Con là chị, con phải nhường em hết'
Khi hai chị em cùng tranh giành một món đồ chơi, bố mẹ thường áp đặt suy nghĩ rằng: "Đã là anh, chị thì phải nhường em" hoặc chỉ phạt người anh/chị nếu các trẻ bất hòa - đối với trẻ con, đó là một sự "phi lý". Bé Na đã hỏi mẹ như thế này: "Tại sao con lại phải làm chị? Con thích được làm em để được nhường cơ, vậy con nhường chức chị cho em Bống đấy", làm bố mẹ cũng phải nghĩ ngợi. Vì vậy, theo chị Hằng, bố mẹ cần khéo léo "phân xử" những xích mích của lũ trẻ, tránh trường hợp chưa biết rõ đúng sai đã quay sang mắng và đòi hỏi đứa lớn phải nhường em. "Hãy tạo sự công bằng 'tương đối' giữa trẻ để các con có thể hiểu và phân biệt được đúng sai trong từng tình huống", chị Hằng chia sẻ.


Theo Ngôi sao