Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có nên cho con uống sữa thay nước?


Chỉ cho con uống sữa bột, cắt khẩu phần sữa ở trẻ béo phì, cho con uống sữa thay nước... là những sai lầm phổ biến mà các bà mẹ hay gặp khi cho con sử dụng sữa hiện nay.



Các chuyên gia khuyến cáo, nên cho trẻ uống sữa đúng cách và liều lượng hợp lý. Ảnh: TL

Uống nhiều sữa quá cũng là sai lầm

Tại buổi Hội thảo "Khuyến nghị sử dụng sữa và các chế phẩm sữa cho người Việt Nam" do Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa tổ chức, PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sữa và các chế phẩm sữa là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi cho người Việt Nam hiện nay nhưng đối tượng sử dụng sữa ở nước ta còn hạn chế và còn ít người biết đến cách sử dụng sữa để hấp thụ tối đa lượng canxi trong thành phần. Cùng với đó là hàng loạt các sai lầm khi dùng sữa làm giảm đi khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, trong đó có canxi như:

- Cho con uống sữa thay nước

Sữa là thức uống bổ dưỡng vì có nhiều vitamin và khoáng chất nhưng không có nghĩa uống càng nhiều càng có lợi. Khi uống sữa đã đảm bảo đủ lượng theo lứa tuổi quy định mà vẫn uống thêm sẽ gây tiêu chảy, đầy bụng và cơ thể không có khả năng hấp thụ dưỡng chất trong sữa. Điều này làm dư thừa năng lượng dẫn tới trẻ thừa cân béo phì. Ngay cả canxi, protein trong sữa cũng chỉ cần vừa đủ, thừa làm thận làm việc quá tải. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày trẻ từ 1-3 tuổi nên uống khoảng 500ml sữa; trẻ trên 3 tuổi nên uống khoảng 300-400ml là đủ.

- Con béo phì là cắt sữa

Phần lớn phụ huynh khi thấy con béo phì là nghĩ rằng do bữa ăn thêm mới làm các con tăng cân. Bởi vậy họ cắt sữa chua, phô mai, sữa nước hàng ngày của con. Đây là sự điều chỉnh không hợp lý bởi trẻ thừa cân béo phì là sự dư thừa mỡ ở mức quá cần thiết. Việc tích mỡ là do cân bằng năng lượng dương tính tức khẩu phần ăn vào lớn hơn với năng lượng tiêu hao. Lượng ăn vào mỗi ngày của trẻ không chỉ đến từ sữa mà đến từ toàn bộ bữa ăn có chất bột đường, chất béo, nước ngọt, bim bim...

Giải quyết béo phì là giải phóng năng lượng nhưng cần phải tăng trưởng chiều cao. Việc cắt sữa là giảm nguyên liệu để tăng trưởng chiều cao. Trẻ béo phì vẫn phải uống sữa bởi sữa có lượng protein có giá trị sinh học cao giúp trẻ phát triển chiều cao.

- Chỉ cho con uống sữa bột

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ có sữa bột mới cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé và loại bỏ sữa tươi, sữa chua hay phô mai ra khỏi thực đơn của con. Thậm chí nghĩ sữa tươi chỉ uống thay nước lọc không có chất gì nhưng sữa tươi có nhiều hàm lượng dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của bé, chứa nhiều canxi giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Lưu ý là chỉ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Dưới độ tuổi này, thận của trẻ dễ bị ảnh hưởng do sữa tươi có hàm lượng đạm, canxi và phốt pho cao không đào thải hết. Tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành.

- Dùng nước khoáng pha sữa

Thay vì dùng nước lọc có người pha sữa với nước khoáng vì cho rằng bổ sung thêm một số khoáng chất là không đúng. Trong sữa công thức đã được bổ sung đầy đủ vi chất theo tỷ lệ phù hợp với sự phát triển của trẻ trong từng giai đoạn. Việc dùng nước khoáng pha sữa có thể khiến cơ thể trẻ thừa một số loại khoáng ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn như, canxi khi bị thừa có thể dẫn tới táo bón, sỏi thận...

- Sữa càng đắt càng tốt

Hiện đa phần phụ huynh cho rằng sữa ngoại hay sữa càng đắt tiền càng tốt. Thực tế mỗi trẻ sẽ hợp một loại sữa khác nhau nên cần được tư vấn của chuyên gia để biết con mình phù hợp với loại sữa nào. Điều cốt yếu là khi trẻ uống không bị dị ứng, đau bụng mà phát triển tốt. Ví dụ trẻ hay bị táo, cơ địa nóng thì chọn dòng sữa mát, nhiều chất xơ, dễ tiêu hóa. Trẻ nhẹ cân chọn sữa giàu dinh dưỡng cho trẻ nhẹ cân suy dinh dưỡng. Mỗi lần nên mua 1 hộp nhỏ cho con uống thử đã xem có hợp không hãy tính mua tiếp.

Ngoài ra còn hàng loạt các sai lầm khác như cho trẻ dùng sữa chua khi đói bụng, trẻ vừa ngủ dậy vì làm vậy các con lợi khuẩn dễ bị giết chết. Chỉ nên uống sữa sau khi đã ăn lót dạ. Cùng với đó, nhiều người lại pha sữa quá đặc không đúng tỷ lệ, sữa hết hạn vẫn cố uống... Điều này dễ khiến trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...

Uống sữa thế nào để tăng hiệu quả?

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguồn canxi cung cấp qua thực phẩm các bữa ăn là rất thấp. Ví dụ, canxi trong cá nằm ở xương, tôm nằm ở vỏ, cua ở mai và yếm nhưng thường những phần chứa canxi thì là phần mà chúng ta không ăn đến... Khẩu phần canxi trong bữa ăn của người Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 500 - 540mg/người/ngày, đạt 50 - 60% mức khuyến nghị của thế giới. Nguyên nhân do thói quen ít sử dụng sữa và chế phẩm của sữa như sữa chua, phomai và các thực phẩm nguồn gốc thủy sản. Cụ thể, trong 100ml sữa có hàm lượng canxi 100 - 120mg và hàm lượng canxi trong 100mg phomai lên đến 720mg.

BS Bùi Thị Nhung (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, một đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg canxi tương đương: 1 miếng phô mai 15g, 1 hộp sữa chua và 1 cốc sữa dạng lỏng 100ml. Sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột pha.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã ra mắt cuốn cẩm nang về khuyến nghị sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa hàng ngày cho người Việt Nam ở các lứa tuổi. Đối với trẻ em 3 - 5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa); Trẻ 6 - 7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa tương đương 1 miếng phô mai, 1 hộp sữa chua và 250ml sữa dạng lỏng; Trẻ 8 - 9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị sữa và chế phẩm sữa tương đương 30g phô mai, 100ml sữa chua và 200ml sữa dạng lỏng; Trẻ từ 10 - 19 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 2 miếng phô mai, 2 hộp sữa chua và 200ml sữa dạng lỏng.

 

Phương Thuận (Báo Gia đình & Xã hội)