Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mùa Lạnh Phòng Bệnh Tiêu Chảy Do Rotavirus


Đây là bệnh thông thường nhưng đáng lo ngại là tình trạng phụ huynh điều trị sai, coi thường hoặc nhầm tiêu chảy mùa đông sang bệnh khác như trẻ bị sốt, quấy do mọc răng, hay bị cảm về đêm..., hậu quả là nhiều bé bị mất nước trầm trọng.

Biểu hiện của bệnh

Sau 1 - 4 ngày bị lây nhiễm virut, trẻ có các biểu hiện của bệnh. Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1 - 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, có bé thì bị đi ngoài rồi mới nôn. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn. Hơn nữa, hiện tượng nôn trớ rất bất ngờ, bé đang chơi, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó.

Cho trẻ uống vắc - xin là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirrus hiệu quả nhất.

Trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải), phân thường nhiều nước.

Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt, chảy nước mũi nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Chăm sóc trẻ mắc tiêu chảy cấp tại nhà

Với những trẻ mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà dự phòng mất nước và suy dinh dưỡng, trong đó cần đảm bảo cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để đề phòng mất nước như: oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch. Trong đó tốt nhất là bù nước, bù điện giải, tốt nhất là bằng nước oresol. Trên thị trường hiện có nhiều loại dành cho trẻ với hương vị rất dễ uống. Cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

Cha mẹ nên đút từng thìa

oresol cho trẻ uống, 2 phút một lần, không nên cho bé uống liên tục. Vì uống nhiều và liên tục,

oresol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.

Giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh tiêu chảy.

Nếu bù nước, điện giải cho trẻ không hợp lý như chỉ cho trẻ uống nước lọc sẽ không hiệu quả, hoặc cho trẻ uống cháo gạo quá mặn, nước hoa quả pha đường. Thậm chí, có cha mẹ cho con uống cả coca, soda và các loại nước có ga cấm dùng cho trẻ tiêu chảy..., khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn.

Nhiều trẻ nhập viện

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 20 - 25 ca nhập viện do tiêu chảy, trong đó có đến hơn một nửa là do Rotavirus. Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em. Bệnh này lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và phát tán nhanh do Rotavirus sau khi được thải qua phân của trẻ nhiễm bệnh có thể lưu lại trên tay vài giờ và trên các bề mặt rắn như đồ chơi, chăn màn, quần áo trong vài ngày.

Tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng: Phần lớn trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn trở lại khi được bù đủ dịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, khẩu phần ăn hằng ngày của bé nên được tiếp tục và tăng dần lên. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng giúp cơ thể bé chóng bình phục, hồi phục cân nặng và chức năng đường ruột. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên. Tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.

Khi nào cần truyền dịch?

Trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng uống nước oresol, ăn được, chơi bình thường... thì cha mẹ không nhất thiết phải truyền dịch. Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

Lưu ý, khi trẻ bị tiêu chảy do virut, cha mẹ tuyệt đối không được cho con uống thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ làm cho trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột làm bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Bệnh có thể phòng

Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, do đó nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Hiện nay phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là cho trẻ uống vắc-xin. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh (tuổi lớn nhất còn có thể uống được vắc-xin phòng Rotavirus là 3 tháng tuổi, tuổi kết thúc uống là 4 tháng tuổi). Sau khi uống vắc-xin lần thứ nhất, cần theo dõi xem trẻ có biểu hiện dị ứng hoặc bất thường để báo ngay với bác sĩ.

Bên cạnh đó, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ.

Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh.

Theo Lamchame.com