Lớp học được xây bằng những bức tường xi măng hay chỉ là nhà tranh vách đất nơi vùng cao là nơi trẻ được truyền thụ kiến thức, nhưng còn một "lớp học" quý báu với những người thấy đặc biệt rất quan trọng với sự phát triển của trẻ mà nhiều khi chúng ta, vô tình hay hữu ý, lãng quên: thế giới tự nhiên và xã hội.
Giáo viên Jane Williams-Siegfredsen cho biết: "Tôi đến Đan Mạch cách đây 23 năm cùng với một nhóm sinh viên để được đạo tạo trong lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi đã nghe rất nhiều về trường mầm non của Đan Mạch và muốn tìm thấy điều đặc biệt gì ở đó. Tôi đã bị sốc nhưng cũng đầy mê hoặc trước cảnh tượng những trẻ em mẫu giáo ở ngoại ô thị trấn đang leo núi, gọt đẽo cành cây bằng dao nhọn bên cạnh ngọn lửa. Chúng nô đùa rất thoải mái và các giáo viên cũng vui vẻ".
Đó là một phong cách giáo dục của những giáo viên trường mầm non ở đây, họ ủng hộ phương pháp học tập từ thực tế, hoàn toàn tin tưởng vào sự khéo léo của những đứa trẻ và luôn có sự tương tác hoàn hảo giữa mọi người. "Bây giờ đã trải qua 19 năm làm việc và sinh sống ở Đan Mạch, tôi hiểu rằng phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất là chỉ ở ngoài trời" - Jane Williams khẳng định.
Điều này được thấy rõ nhất qua mô hình giáo dục ở Australia khi mẫu giáo Westgarth mở ra như một dự án thí điểm tại Melbourne trong năm 2011. Tiến sĩ Sue Elliott một giảng viên về Giáo dục trẻ sớm tại Đại học New England ở NSW khẳng định hầu hết những cảm giác được trải qua là hỗn hợp của sự sợ hãi và niềm đam mê có thể giúp thay đổi cuộc sống. Đặc biệt, nô đùa trong rừng - một sân chơi ngoài trời - có thể giúp trẻ học hỏi được nhiều điều từ trong tự nhiên.
Tất nhiên, phương pháp giáo dục ngoài trời mạo hiểm cho trẻ ở Đan Mạch khó có thể "xuất khẩu" bởi có sự khác biệt về văn hóa, môi trường, xã hội và quan điểm dạy dỗ của cha mẹ, giáo viên. Tuy nhiên, không ít nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích to lớn khi cho trẻ dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời. Điều này sẽ rất tốt cho sự phát triển của não, xương, cơ bắp, nhận thức xã hội, nảy sinh tình cảm và ít bệnh tật hơn. Không chỉ vậy, cho trẻ leo trèo thậm chí nô đùa cùng với bạn bè trong vũng nước bẩn, tìm hiểu những sinh vật nhỏ bé trong rừng sẽ nâng cao bản năng đấu tranh sinh tồn của chúng khi gặp khó khăn.
Trong khi đó, Quỹ Tim mạch Anh cho biết có tới 91% trẻ nhỏ từ 2-4 tuổi không đáp ứng những yêu cầu hoạt động thể chất ngoài trời khoảng 3 giờ/ngày. Tình trạng này cũng tương tự đối với những trẻ em thành phố ở Việt Nam. Các em đi học bị nhốt trong bốn bức tường, về nhà thì nô đùa với đồ công nghệ, họa huần cuối tuần mới được tới công viên vào những dịp cuối tuần. Điều này đang gióng hồi chuông báo động cho tình trạng béo phì tăng mạnh, chây ỳ trong cuộc sống và lười suy nghĩ, vận động.
Theo Sống Mới