Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tranh cãi xung quanh việc phụ nữ mang thai ăn cá nhiều con sẽ bị béo phì


Những phụ nữ mang thai ăn nhiều hơn 3 miếng cá mỗi tuần - tức là nhiều hơn mức tối đa được khuyến nghị của ngành y tế Hoa Kì - có thể đối mặt với nguy cơ có con tăng cân nhanh và béo phì sau này.

Đây là kết quả của một nghiên cứu gần đây. Cuộc nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng chất thủy ngân ở trong thịt cá có thể gây tổn thương hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ thống miễn dịch, phổi, thận, da và mắt. Bởi vậy, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Quản lý Thực - dược phẩm Hoa Kì chỉ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên giới hạn lượng thịt cá ăn vào là 3 miếng một tuần.

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Leda Chatzi của trường Đại học Crete tại Hy Lạp kết luận: "Phụ nữ mang thai không nên loại bỏ hoàn toàn cá khỏi thực đơn vì thực phẩm này chứa nhiều chất bổ dưỡng như protein, vitamin D và chất axit béo omega-3. Tuy nhiên, họ cũng không nên ăn quá nhiều".


Bà bầu ăn quá 3 miếng cá mỗi tuần có thể khiến con tăng nguy cơ bị béo phì.

Ông nói:"Các kết quả chỉ ra rằng phụ nữ chỉ nên tiêu thụ cá theo các khuyến cáo đã được đề ra. Nói tóm lại, nữ giới nên ăn nhiều loại cá một tuần và tránh ăn nhiều các loại cá lớn ăn thịt như cá thu, cá kiếm, cá mập và cá kình" vì những loại cá này chứa lượng chất độc hại nhiều hơn hẳn các loại cá khác.

Để rút ra kết luận mối liên quan giữa việc ăn cá khi mang thai và bệnh béo phì của trẻ em, Chatzi và đồng nghiệp đã phân tích các thông tin từ 15 cuộc nghiên cứu trước đó trên hơn 26,000 phụ nữ có thai và con của họ. Các dữ liệu được thu thập 2 năm 1 lần, cho đến khi trẻ lên 6 tuổi.

Đối tượng nghiên cứu bao gồm những đứa trẻ được sinh ra từ năm 1996 đến năm 2011 tại Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và bang Massachusetts, Hoa Kì.

Lượng cá ăn vào thay đổi tùy từng nước. Ví dụ, tại Bỉ, chỉ một nửa số phụ nữ có thai ăn cá nhiều hơn 2 tuần một lần. Ở Tây Ban Nha, ngược lại, một nửa lại ăn nhiều hơn 4 lần một tuần.

Với lượng cá ăn vào ở mức tương đối - tức là từ 1 đến 3 lần 1 tuần - các nhà khoa học không nhận thấy mối tương quan nào với sự tăng trưởng nhanh chóng của trẻ hoặc dấu hiệu béo phì cho đến lúc trẻ lên 6 tuổi. Thế nhưng, so sánh với các đối tượng mà ăn cá thường xuyên hơn thì nguy cơ trẻ tăng cân nhanh bất thường từ khi sinh ra đến khi 2 tuổi tăng lên 22%.

Bên cạnh đó, con của các bà mẹ ăn rất nhiều cá thì có khả năng bị thừa cân hoặc béo phì nhiều hơn 14% khi lên 4 và 22% khi lên 6, và thường gặp ở bé gái hơn là bé trai.


Trong cuộc nghiên cứu, nguy cơ béo phì của bé gái cao hơn bé trai.

Các nhà khoa học đã tính toán những con số này dựa theo lộ trình tăng trưởng ước tính và áp dụng lên toàn bộ các cuộc nghiên cứu.

Tuy nhiên, một hạn chế của bài phân tích đó là nó phụ thuộc vào những món thực phẩm mà các bà mẹ tham gia thuật lại, và có thể chúng không chính xác.

Các kết luận cũng hơi trái ngược với một vài cuộc nghiên cứu trước đây đã gợi ý chất axit béo omega-3 có thể ngăn ngừa béo phì, theo như Tiến sĩ Emily Oken, nhà khoa học về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Harvard, người không tham gia cuộc nghiên cứu này.

Oken cho rằng, chất thủy ngân trong cá không dẫn đến béo phì, dù nó có thể có quan hệ với các vấn đề phát triển khác ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có khả năng các thuốc trừ bệnh và một số chất độc hại khác ở cá đã khiến trẻ bị tăng cân.

Oken cũng nói thêm:"Rất có thể việc ăn nhiều cá khi mang thai chỉ là một dấu hiệu của việc ăn quá nhiều, và chúng ta đều biết rằng bà mẹ nào tăng cân khi có bầu thì cũng dễ có con bị béo phì hơn".

Những phụ nữ mang thai ăn cá ở mức cho phép không cần quá lo ngại. Oken nói: "Tôi không nghĩ nên dùng từ "nguy hiểm" vì điều đó có thể khiến phụ nữ tránh xa thịt cá - loại thực phẩm tốt cho chế độ ăn lành mạnh mạnh".

 

(Nguồn: Yourhealth - Asiaone)
Theo Khánh Linh / Trí Thức Trẻ