Dạy con biết làm việc nhà từ khi còn nhỏ chính là trang bị cho con những kỹ năng sống cơ bản nhất.
Tôi là mẹ của hai cô con gái, cô lớn học đại học và bé nhỏ đang tuổi lên 5. Với cô chị, việc khoe làm một ổ bánh, nấu vài món ăn hay giúp mẹ làm việc này việc khác và được mọi người khen cũng là điều bình thường.
Nhưng với con gái nhỏ, khi chia sẻ hình ảnh con làm việc nhà giúp mẹ, ngoài lời khen ngợi dạy con khéo thì cũng có không ít lời phàn nàn đến chỉ trích rằng tôi đã bắt con lao động sớm quá. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng mình đã đòi hỏi quá cao ở con và buộc con làm những việc quá sức. Nhưng ngẫm lại tôi thấy mình không sai, con tôi cần có kỹ năng sống để tự chăm sóc bản thân kể cả khi không có mẹ bên cạnh.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Khi tôi còn bé, mới ba bốn tuổi đầu đã theo bà nội vào bếp, được bà dạy cầm chổi quét nhà, năm tuổi đã biết chăm em, cho em ăn và bảy tuổi đã biết nấu bữa cơm đầu tiên khi bà trở ốm mà bố mẹ lại đi công tác xa. Lứa tuổi chúng tôi có lẽ chẳng ai xa lạ gì với những việc đó, nhưng khi tôi và các bạn mình lớn lên, lấy chồng rồi sinh con thì trật tự đó hình như có khác đi.
Những đứa trẻ thời bây giờ ngoài ăn và học thì có vẻ xa lạ với các công việc trong nhà. Với tôi, việc đẩy con mình ra khỏi nhịp sống hàng ngày của gia đình là điều không nên. Nhịp sống gia đình ngoài ăn ngủ thì còn có nấu cơm, rửa chén, giặt đồ và hàng trăm thứ không tên khác.
Bạn có thể có người giúp việc nhưng họ không theo bạn suốt đời, ngay chính bản thân bạn cũng không thể chắc rằng có thể bên con để chăm sóc bảo bọc nó đến bao lâu. Vậy nên hãy tập cho con đi trên đôi chân của mình, làm mọi việc bằng chính đôi tay của mình, đấy mới là lo cho tương lai của con.
Mọi đứa trẻ đều ham mê khám phá cái mới lạ, thích được tham gia mọi việc ba mẹ làm. Trẻ con vốn không có khái niệm cái gì làm được, cái gì không, nên việc hướng dẫn trẻ vào quỹ đạo là của cha mẹ. Bắt đầu khi con biết nói, biết đi cũng là lúc con hình thành ý thức. Bắt đầu từ việc con tập xúc ăn khi mới ăn dặm, để đến khi con đầy tuổi là mẹ có thể để con tự xúc ăn một mình, mẹ ngồi cạnh làm việc khác, thỉnh thoảng để mắt đến con là được.
Hai tuổi, con tôi bắt đầu vào bếp với mẹ, đương nhiên lúc này khu vực của con chỉ giới hạn đến khu sơ chế thực phẩm. Con đã bắt đầu biết bóc tỏi, bóc hành. Con cũng đã biết lấy khăn lau nước đổ, lấy giày cất lên kệ. Lớn hơn chút nữa, ba tuổi, tôi cho con cầm dao cắt rau, đương nhiên đó là con dao khó có khả năng gây thương tích cho con. Lần đầu được làm một việc thực sự của người lớn, con phấn khích vô cùng.
Giờ hơn năm tuổi, bé đã biết tự mình làm một cái bánh, mà thật ra bé biết làm từ khi bốn tuổi. Ban đầu con quan sát mẹ vừa làm vừa giảng giải, sau đó tự làm một cái bánh theo cách của con.
Bánh con tôi làm là sự giao thoa giữa flan và bông lan, bởi con cho nguyên liệu của cả hai vào một. So với chuẩn thông thường thì có khi chẳng ngon, lúc ngọt lúc nhạt khác thường vì con chưa biết cách đong đo nguyên liệu, nhưng những cái bánh đó luôn được ông bà, ba mẹ đón nhận nhiệt tình. Bé được khen thì thích thú, thích làm hơn. Và sau mỗi cái bánh làm ra con đã biết lắng nghe nhận xét của mẹ để cái sau ngon hơn cái trước.
Phần thưởng cũng là một cách tôi khuyến khích con làm việc nhà. Đương nhiên có những việc được quy định là trách nhiệm của con như sắp xếp đồ chơi, thu dọn giường ngủ thì con bắt buộc phải làm. Nhưng những việc con giúp mẹ như xếp chén bát khô vào tủ (cũng "hao hụt" khá nhiều cho đến khi thành thạo như bây giờ), lau nhà, giúp mẹ việc trong bếp thì con luôn được những phần thưởng bất ngờ, đôi khi là một món đồ chơi, đôi khi lại là cây kem, mà có khi cũng chỉ là để hôm nay được mẹ tắm cho, nhưng luôn khiến con cảm thấy việc con làm được mẹ ghi nhận.
Theo PNO