Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ khuyết tật cần hỗ trợ đặc biệt


Từ năm 2005 đến 2008 tại Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Trường CĐSP Trung ương), trong một chương trình thí điểm nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp mới đã mở một lớp hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, có 14 trẻ được "can thiệp cá nhân".


Chỉ sau một thời gian ngắn, những trẻ này có rất nhiều tiến bộ trong số đó đã có 8 trẻ đã hoà nhập được như những trẻ bình thường.


Con có bệnh cha mẹ không biết

Năm học 2015 - 2016, qua quá trình khảo sát, sàng lọc tại trường cho thấy có 68 trẻ cần có nhu cầu giáo dục đặc biệt, nhưng trên thực tế mới chỉ có 44 gia đình trẻ là công nhận con mình có những vấn đề cần giáo dục dặc biệt.


Qua đây, chúng ta thấy vấn đề nhận thức về khuyết tật của gia đình và cộng đồng còn chưa tốt nên vẫn còn nhiều trẻ khuyết tật hoặc có nguy cơ khuyết tật đang học tại trường cũng như trẻ khuyết tật tại địa bàn chưa được lập danh sách theo dõi, hỗ trợ dẫn đến việc rất thiệt thòi cho đứa trẻ.


Sự phân loại khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật chủ yếu dựa vào cảm tính, kinh nghiệm và những dấu hiệu qua quan sát bề ngoài (như trẻ bị câm, điếc, mù, tật tay, chân...) chưa được thực hiện một cách khoa học và đảm bảo cơ sở pháp lý, đặc biệt dạng trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ ... (không có thang đo về trí tuệ, năng lực giao tiếp, kỹ năng hòa nhập, chỉ số IQ,...).


Bên cạnh đó, về phía nhà trường cũng chưa có được những dịch vụ và hỗ trợ cần thiết trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật như: Hỗ trợ của chuyên gia chuyên biệt về giáo dục trẻ khuyết tật, về xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân từng dạng trẻ khuyết tật, tổ chức tiết học cá nhân, tư vấn hỗ trợ kỹ năng đặc thù... Vì vậy, hiệu quả giáo dục hòa nhập chưa cao, nhiều trẻ khuyết tật chưa được học tập theo đúng khả năng.


Thực tế này cho thấy, việc chưa có mô hình điểm thực hiện hỗ trợ can thiệp cá nhân đối với trẻ khuyết tật tại trường mầm non nên cha mẹ học sinh rất vất vả trong việc đưa đón con đi đến các trung tâm can thiệp sớm ở ngoài. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về thời gian và cơ hội được tham gia các hoạt động chăm sóc, giáo dục của chính trẻ tại trường.


Mặt khác, một bộ phận trẻ khuyết tật chưa được cha mẹ đi can thiệp cá nhân ở ngoài trường thì phần lớn các trẻ còn thiếu những kĩ năng đặc thù để sẵn sàng tham gia vào các hoạt động chung cùng các bạn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập và hòa nhập của chính trẻ khuyết tật mà còn tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chương trình cho các trẻ khác và sự vất vả của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.


Nhân rộng một cách làm hay
Việc can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì sẽ phát hiện trẻ khuyết tật, thực hiện các biện pháp can thiệp sớm; tư vấn tâm lý, sức khỏe và hỗ trợ giáo dục hòa nhập phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật của trẻ. Muốn vậy phải hình thành các lớp can thiệp sớm.


Các lớp này sẽ là cơ sở Thực hành để bồi dưỡng giáo viên, tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về phương thức can thiệp cá nhân, phát hiện và tư vấn, thực hiện can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trên địa bàn phụ trách, giảm thiểu sự khó khăn đi lại, chi phí tốn kém cho các bậc phụ huynh phải đi đến Trung tâm ở ngoài trường.


Đứng trước yêu cầu thực tế đòi hỏi, Đề án "thí điểm tổ chức các lớp can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen đã được triển khai. Những lớp học can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật đã được hình thành với nhiệm vụ là cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên Khoa giáo dục Mầm non và Khoa giáo dục Đặc biệt.


Từ mô hình tổ chức các lớp can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập đã đúc rút được những kinh nghiệm quý là cơ sở thí điểm thực hiện về can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, thúc đẩy phát triển giáo dục hòa nhập.


Đến thời điểm này, thành công của cách làm đã được khẳng định, nhiều bậc phụ huynh có con em đang theo học khi được hỏi đã đánh giá cao mô hình này và cho rằng đây là sự thí điểm mô hình can thiệp sớm và giáo dục hoà nhập trong trường mầm non hay, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc nhân rộng mô hình này tại các trường Mầm non trong cả nước chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ tại các trường mầm non đang có học sinh khuyết tật.


Một cách làm hay như mô hình các lớp can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen cần được nhân rộng.


Tuy nhiên, để triển khai đại trà là điều còn cần thời gian, trước mắt có thể triển khai ở những đô thị. Để làm được việc này rất cần sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, của các Bộ, Ngành, các tổ chức xã hội, đặc biệt là sự ủng hộ của các địa phương và các bậc cha mẹ học sinh trong việc xây dựng cơ chế hoạt động của các lớp can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật với những vấn đề liên quan như: định biên, định mức thu - chi, bổ sung cơ sở vật chất...


Đây là việc rất đáng nên làm vì điều này không chỉ giúp trẻ được hòa nhập tốt hơn với cộng đồng mà còn là góp phần thực hiện tốt các Quyền cơ bản của Người khuyết tật.


Theo GD&TĐ