Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ làm gì để bé không ốm khi về quê ăn Tết?


Do nhiều yếu tố nên nhiều trẻ dễ ốm khi về quê ăn Tết. Đây được xem là nỗi lo của các bà mẹ. Để tránh tình trạng này, phụ huynh cần có sự chuẩn bị để bé yêu khỏe mạnh đón Tết.


Các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý những bệnh thường gặp cần đề phòng cho bé ngày tết:


- Viêm đường hô hấp trên và dưới
Trẻ từ sơ sinh cho đến 3 tuổi thường gặp các vấn đề về bệnh hô hấp. Vào ngày tết, nếu miền Nam thời tiết nóng, trẻ hay uống nước ngọt và nước đá; thì ở miền Bắc thời tết lạnh có khi là rét đậm rét hại nên trẻ dễ bị mắc các bệnh như viêm họng, viêm mũi, ho, sốt, cảm cúm. Nếu không điều trị kịp thời hoặc trẻ có sức đề kháng kém rất dễ bị tiến triển bệnh sang viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi với nguy cơ suy hô hấp như: khó thở, khò khè, sốt cao, tím tái và co giật.


- Dị ứng thời tiết hoặc dị ứng thức ăn
Đối với trẻ có cơ địa dị ứng, dịp tết do việc đi lại nhiều, chế độ ăn mất cân bằng, thiếu ngủ cũng làm cho miễn dịch của bé yếu đi và tăng nguy cơ bị dị ứng.


- Rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thức ăn
Tết là thời gian các gia đình thay đổi thực đơn hàng ngày, đồng thời bố mẹ thường dẫn các bé đi chơi, thăm thú các khu vui chơi, du lịch,... Trẻ sẽ có nhiều khả năng ăn những thức ăn lạ, thức ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón. Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, triệu chứng thấy rõ như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy xuất hiện sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ, trẻ nôn liên tục hoặc nhiều lần trong ngày.


Vậy làm cách nào mẹ có thể ngăn ngừa ốm cho bé ngày tết?


- Giữ ấm cho bé trong thời tiết lạnh khi đi ra ngoài
Mẹ đừng quên mũ, khăn, găng tay và đeo khẩu trang cho bé nếu phải ra ngoài khi trời gió hoặc khi đi tàu xe (bé có thể mất đến 50% nhiệt độ cơ thể do thoát nhiệt ở đầu). Nên chọn cho bé những chiếc áo khoác, mũ không thấm nước. Nếu bé bị dính nước mưa, cần thay quần áo cho bé thật nhanh. Bao bọc bé sau đó để bé ấm và cung cấp cho bé một đồ uống ấm nếu bé vừa bị lạnh và bị ướt.


- Cho bé ăn đồ ăn chín, tươi, đầy đủ khẩu phần, rau, củ quả và uống nhiều nước
Ngày Tết do đi lại, vận động nhiều, cơ thể bé cần nhiều vitamin và nước hơn. Mẹ hãy cho bé ăn mỗi ngày với rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ ăn nướng, đồ ăn để lâu trong tủ lạnh. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp bé tăng đề kháng như nấm, sữa chua, ngũ cốc, khoai lang... Với bé sơ sinh, mẹ nên cho bé bú đủ, đều đặn để tăng cường miễn dịch cho trẻ.


- Thời gian cho bé ra ngoài

Nên cho trẻ đi lúc 9-10h sáng, hoặc 14 - 15hchiều - là lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày. Cho trẻ chơi ở nơi có không khí trong lành, sạch sẽ và thoáng. Tránh nơi quá nhiều cây cối, vì sẽ cảm thấy bị lạnh hơn. Chú ý canh trẻ chơi đùa, hoặc dặn trẻ lớn thấy toát mồ hôi là cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, viêm họng...


Tránh xa mầm mống gây bệnh, giảm cơ hội lây nhiễm, phòng chống cảm lạnh, bệnh tật bằng cách không tới các nơi công cộng, hội hè, đình đám... đông người.


- Không cởi quần áo cho trẻ ngay khi tới nơi
Về tới quê không nên cởi bớt quần áo cho trẻ ngay. Hãy đóng kín các cửa để tránh gió lùa, nhóm lửa sưởi (hoặc dùng máy sưởi) cho trẻ ấm lên rồi hãy cởi bớt đồ cho trẻ. Khi phòng ấm cần sờ lưng trẻ, nếu thấy nhiều mồ hôi thì lau khô, thay áo ngay để tránh bị nhiễm lạnh.


- Không tắm lâu
Dù trong bất cứ trường hợp nào cũng đừng tắm kỹ ngay cho trẻ. Chỉ nên rửa chân, tay, mặt mũi, thay quần áo nhanh và ủ ấm. Có thể dùng máy sưởi nhỏ, hoặc bóng đèn 200w sưởi, hoặc dùng máy sấy tóc để sưởi ấm đầu, cổ, chân tay, mông trẻ sau mỗi lần dùng nước sẽ giúp trẻ sạch và dễ chịu. Không nên tắm cho trẻ quá thường xuyên để tránh nhiễm lạnh.


Theo SK&ĐS