Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

6 “điềm báo” sức khoẻ trẻ nếu thấy cần đi khám ngay


Miệng hôi, phân khô, hay khóc...có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc bệnh.

Nuôi con chăm con, không gì khiến các bậc cha mẹ sợ hơn là khi thấy con bị bệnh, nhất là con sơ sinh. Trong thực tế, trước khi trẻ bắt đầu bệnh nặng, luôn có những dấu hiệu để cha mẹ nhận biết, đặc biệt ở hệ tiêu hoá và hệ hô hấp.

Chỉ cần chú ý quan sát cẩn thận những thay đổi nhỏ của con, mẹ có thể nhìn thấy những tín hiệu bệnh sớm và lên biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Miệng, hơi thở hôi.

Trẻ khỏe mạnh hơi thở thường không có mùi, lưỡi hồng, có nhiều sợi lông trắng mỏng. Nếu miệng trẻ có mùi hôi hoặc chua, lưỡi trắng....rất có thể bé đang gặp các rắc rối liên quan đến tiêu hoá, sốt, viêm mũi, viêm xoang, viêm amiđan có hốc, u ở họng, viêm phế quản, viêm phổi, thoát vị bẹn hoặc dị ứng theo mùa, một số trẻ có thể bị trào ngược dạ dày hoặc nôn trớ. Các bác sĩ cũng cho biết, có tới 50% trường hợp bệnh lý về tai, mũi, họng và 90% trường hợp bệnh lý về răng, lợi có kèm theo triệu chứng hôi miệng.

Thường xuyên khóc

Khi còn nhỏ, chưa biết nói, trẻ thường khóc để thể hiện cảm xúc, đồng thời báo với cha mẹ cảm giác khó chịu trong cơ thể. Vì vậy, nếu thường xuyên thấy con khóc không lý do, các bậc cha mẹ nên thận trọng. Chuyên gia cho biết, bất cứ khó chịu nào về thể chất của trẻ, chẳng hạn như ngứa, nhức đầu, đầy hơi, vv, đều có thể được trẻ thể hiện bằng cách khóc. Nếu con khóc không lý do, cha mẹ nên cho con đi khám tổng quát cơ thể, kiểm tra nhiệt độ. Đặc biệt, nếu con liên tục khóc trong một thời gian dài, rất có thể bé đang bị tắc ruột, lồng ruột hay các bệnh về đau bụng cấp tính khác.

Trẻ liên tục khóc trong một thời gian dài có thể là dấu hiệu lồng ruột (ảnh minh hoạ)

Giảm sự thèm ăn.

Trẻ em khỏe mạnh có thể ăn đúng giờ, lượng thức ăn tương đối ổn định. Nếu trẻ đang ăn bình thường, đột nhiên không thích ăn, hoặc giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng, đó có thể là dấu hiệu của bệnh mà cha mẹ cần kịp thời điều tra nguyên nhân. Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, trẻ có thể bị mắc các bệnh loét dạ dày, viêm ruột mãn tính, bệnh ký sinh trùng và những bệnh này đều gây mất cảm giác ngon miệng.

Phân khô.

Trẻ đi tiêu bình thường phân thường mềm, nếu phân đột nhiên khô hoặc phân lỏng, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tật. Nếu phân đặc biệt khô, trẻ khó đi tiêu và có mùi hôi, điều đó có nghĩa rằng có thể thức ăn không tiêu hóa được trong ruột. Nếu nhiệt kéo dài quá lâu, trẻ sẽ dễ bị sốt. Trong trường hợp này, mẹ nên cho con bổ sung nhiều rau xanh, uống nước ép quả lê tươi, nước củ cải trắng để nhuận tràng.

Ngủ không yên giấc.

Trẻ em bình thường thường dễ ngủ, ngủ tương đối ổn định nhưng khi ốm bệnh sẽ rất khó ngủ, ngủ không yên giấc, dễ giật mình thức giấc. Thường những bệnh liên quan đến giấc ngủ của trẻ là do con ăn quá nhiều hoặc ăn thức ăn lạnh, khó tiêu, gây sưng đau dạ dày, đường ruột. Ngoài ra, những bệnh như đau răng, nhức đầu, đau dây thần kinh cũng khiến trẻ khó ngủ ngon vào ban đêm.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyên mẹ để ý, nếu con bỗng nhiên ngủ nhiều hơn bình thường, ngủ li bì, luôn muốn đi ngủ, đó cũng là dấu hiệu bệnh. Mẹ cần quan sát xem con có hắt hơi, chảy nước mũi, ho..không bởi đó có thể là dấu hiệu cảm lạnh.

Tâm trạng hay rối loạn

Chuyên gia cho biết thay đổi trạng thái tâm lý thường là một cách để phản ánh sức khoẻ trẻ em. Trẻ em khỏe mạnh, nhu cầu ăn uống ngủ đã được đáp ứng, tràn đầy năng lượng thì đôi mắt sẽ lấp lánh, hay cười ít khóc. Nhưng một đứa trẻ bị bệnh sẽ thường xuyên xuất hiện các biểu hiện rối loạn tâm trạng. Ví dụ, trẻ em đang nghịch khoẻ đột nhiên trở nên trì trệ hoặc luôn muốn ngủ, mắt đỏ, ít cười, cơ thể lạnh...thì có thể là dấu hiệu bị ốm, cảm lạnh.

Theo Anh Minh (chinadaily) (Khám Phá)