Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khoa học đã chứng minh bà bầu sẽ vượt cạn dễ hơn nếu làm những điều này


Mẹ bầu có thể vận dụng những mẹo hay ho dưới đây để không còn cảm thấy quá sợ hãi khi lâm bồn. Khoa học đã chứng minh có những phương pháp hữu hiệu giúp bà bầu rút ngắn thời gian sinh nở.

Nhiều người vẫn ví cuộc vượt cạn của bà bầu là một lần chạy ma-ra-tông nơi "vận động viên" phải trải qua một sự chịu đựng vất vả, đau đớn đến mức kiệt sức để về đích. Tuy vậy, cũng có những biện pháp khả thi giúp thai phụ có thể rút ngắn thời gian lâm bồn và quá trình sinh nở sẽ diễn ra mượt mà hơn.

1. Ăn chà là

Một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra bà bầu ăn 6 quả chà là mỗi ngày trong 4 tuần cuối thai kì có quá trình sinh ngắn hơn. Trong đó, 96% phụ nữ ăn chà là có quá trình đau đẻ tự nhiên so với 79% số người không ăn. Chỉ 28% số người ăn chà là cần đến oxytocin (một loại hooc-môn giúp thúc đẩy quá trình đẻ), so với 47 % số người không ăn.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tính toán, giai đoạn đầu khi lâm bồn kéo dài khoảng 8,5 giờ ở những người ăn chà là trong những tháng cuối, trong khi đó, những người không ăn cần đến 15 giờ cho giai đoạn này.

Ít ai biết chà là giúp ích rất nhiều khi mẹ bầu đau đẻ.

2. Ngủ

Ngủ nhiều có thể là nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều bà bầu ở cuối thai kì vì đây là khoảng thời điểm họ cảm thấy khó chịu với bụng bầu lớn và thường xuyên bị mất ngủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiên cứu phụ nữ ngủ dưới 6 tiếng một đêm khi sắp sinh thường đau đẻ lâu hơn, và thường phải cần đến phương pháp mổ đẻ.

Vì vậy, đây có thể là động lực để các bà bầu cố gắng ngủ đầy đủ, bằng cách đi ngủ sớm, hay dùng mùi hương dễ chịu để ngủ dễ hơn,...

3. Trà lá mâm xôi đỏ

Các loại trà thảo dược luôn được coi là phương thuốc mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Đối với phụ nữ thời kì sinh nở, loại trà làm từ lá mâm xôi đỏ (red raspberry leaf tea) đặc biệt có ích khi giúp rút ngắn thời gian đau đẻ, tránh vỡ ối, giảm nguy cơ sinh mổ hay sinh hút.

Loại trà lá mâm xôi đỏ này nên uống vào cuối thai kì.

Ngoài ra, loại trà này còn có tác dụng giảm đau khi sinh và làm thon tử cung. Vì thế, nhiều bác sĩ thường khuyên thai phụ chờ đến 3 tháng giữa và cuối thai kì để uống trà lá mâm xôi đỏ.

4. Tập thể dục

Tập thể dục, nâng cao thể chất để có một cơ thể khỏe mạnh trong thai kì không những giúp bà bầu có vóc dáng đẹp mà còn là phương pháp hữu hiệu để quá trình sinh diễn ra trơn tru hơn. Theo Tekoa King, một chuyên gia sản khoa tại Đại học California, Mỹ: "Thể dục giúp cải thiện sức chịu đựng, và nếu bạn có thể chịu đựng tốt hơn để sinh con, bạn sẽ ít có nguy cơ cần đến các biện pháp can thiệp y tế hơn".

Các bà bầu có thể tranh thủ thời gian để đi bộ, tập bơi hay tham gia các lớp yoga mỗi ngày, hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp và thời gian tập luyện phù hợp với thể trạng của mình.

Tập luyện giúp bà bầu khỏe mạnh và làm tăng khả năng chịu đau.

5. Nhờ người hỗ trợ sinh sản giúp đỡ

Các bà bầu có thể nhờ đến sự trợ giúp của một người đặc biệt được gọi là Doula, đây là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam chỉ một người được đào tạo để giúp đỡ các sản phụ trong khi chuyển dạ. Theo một phân tích các thử nghiệm lâm sàng được đăng trên tạp chí Sản khoa của Mỹ, một người mẹ được chăm sóc liên tục bởi một doula có thời gian đau đẻ ngắn hơn 25%, khả năng cần dùng thuốc giảm đau ít hơn 30% và cần đến sinh mổ cũng ít hơn 50%.

Sự chăm sóc của một người hỗ trợ sinh là rất cần thiết nhưng tại Việt Nam, khái niệm này chưa thật phổ biến.

6. Ăn nhẹ

Một chút đồ ăn nhẹ vào khoảng thời gian chuyển dạ sẽ giúp bà bầu duy trì năng lượng để chuẩn bị "chiến đấu", nhưng hãy nhớ tránh xa các loại chất béo và đồ ăn khó tiêu hóa. Thay vào đó hãy tăng cường uống nước vì việc co thắt cơ bắp và thở nhanh khi lâm bồn cũng khiến cơ thể bị mất nước nhanh chóng. Một nghiên cứu gần đây của Đại học California tại Irvine chỉ ra rằng tăng gấp đôi lượng chất lỏng truyền vào tĩnh mạch có thể rút ngắn thời gian đau đẻ hơn một giờ.

Vì vậy, người mẹ cần bổ sung nước từ khi ở nhà và cả khi đến bệnh viện, hãy nói với người chăm sóc bất cứ khi nào cảm thấy cơ thể bị mất nước.

 

(Nguồn: Babble, Parents)
Theo Bình An / Trí Thức Trẻ