Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

50 lời khuyên cho một thai kỳ khỏe mạnh


Để có 9 tháng 10 ngày khỏe mạnh, chị em cần cần ghi nhớ danh sách những việc làm dưới đây ngay từ khi có ý định mang bầu.

1. Tìm ngay một bác sĩ chuyên khoa sản uy tín.

2. Bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống, nghĩ đến một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, khoa học.

3. Tập thể dục. Điều này sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe khoắn, rắn chắc và giúp giảm thiểu các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi trong thai kỳ.

4. Học hỏi kiến thức về thai kỳ.

5. Chọn những loại rau quả tốt nhất cho thai nhi.

6. Đọc sách về thai giáo.

7. Tìm hiểu kỹ những loại thuốc trước khi sử dụng trong thai kỳ.

8. Ngừng ngay việc hút thuốc nếu bạn là người hút thuốc. Có nhiều chương trình, phương pháp giúp bạn cai thuốc lá, hãy cố gắng sử dụng chúng.

9. Bổ sung thêm vitamin, bảo đảm bổ sung được 0.4mg axit folic mỗi ngày.

10. Yêu cầu ông xã của bạn cùng tham gia vào việc xây dựng thói quen sống lành mạnh, khoa học.

Trước và trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhớ bổ sung đều đặn axit folic mỗi ngày. (ảnh minh họa)

11. Theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Điều này sẽ giúp tính toán được thời điểm rụng trứng và thời gian mang thai thích hợp nhất.

12. Nếu cần đổi bác sĩ chuyên khoa sản, hãy tìm kiếm và gặp gỡ trước khi bạn mang thai.

13. Hỏi han bạn bè, người thân về việc mang thai và trở thành cha mẹ như thế nào.

14. Tránh tất cả hóa dược phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến em bé. Nhận biết và tránh xa tác nhân gây hại này tại nhà, tại chỗ làm hay những nơi có môi trường nhạy cảm.

15. Khám nha khoa trước khi bạn mang thai và chải răng đều đặn mỗi ngày để không bị đau răng khi mang thai hay cho con bú sau này.

16. Khi khám bệnh hay kiểm tra sức khỏe, hãy cho bác sĩ biết rằng bạn đang muốn hoặc đang có thai để tránh tất cả các xét nghiệm, thuốc hay chụp phim ảnh có hại đến thai kỳ sau này.

17. Chấm dứt việc nuôi mèo trong nhà vì việc tiếp xúc với lông, phân mèo dễ khiến bạn nhiễm ký sinh trùng có thể gây sẩy thai sau này.

18. Nên nhớ rằng, từ lúc bắt đầu có thai đến khi sinh con mất gần cả năm nên bạn đã ở ngưỡng cửa 35 tuổi, nhớ hỏi kỹ hơn bác sĩ về việc chuẩn bị sức khỏe khi mang thai.

19. Hãy cư xử giả vờ như bạn có thai với lối sống lành mạnh. Việc tập sự này sẽ cần thiết khi bạn mang thai thật. Bao gồm như: tuyệt đối không uống bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều rau, duy trì lối sống lành mạnh...

20. Thông báo về việc mang thai khi bạn đã sẵn sàng.

21. Nói chuyện với cha mẹ, thảo luận về những gì bạn muốn học hỏi từ người đi trước, những gì bạn sẽ làm khác hơn họ.

22. Nghỉ ngơi khi bạn có thể. Chợp mắt khi cảm thấy buồn ngủ.

23. Hãy bắt đầu viết nhật ký về mang thai.

24. Không sử dụng thuốc cho những chứng thông thường như: buồn nôn, ợ nóng, táo bón. Thay vào đó, hãy khắc phục bằng các liệu pháp khác.

25. Uống nhiều nước hơn mỗi ngày.

26. Đọc một cuốn sách nào đó.

27. Tập yoga hay các lớp học thể dục khác.

28. Luôn kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện việc mình có thai nhanh nhất cũng như sớm phát hiện ra bất thường nào đó trong sức khỏe.

29. Học tiền sản càng sớm càng tốt.

30. Nhớ thêm vào chế độ ăn từ 300 - 500 calories/ ngày khi bạn mang thai.

Bà bầu nên chăm chỉ đọc sách về thai sản để có thêm kiến thức trong việc chăm con. (ảnh minh họa)

31. Tham quan các bệnh viện, nơi sinh để chọn một nơi thích hợp nhất khi bạn đã chắc chắn mình không sinh con tại nhà.

32. Nhanh chóng nhận ra các dấu hiệu sinh non hay các biểu hiện bất thường khác trong thai kỳ để báo ngay với bác sĩ của bạn.

33. Nói chuyện với bác sĩ hay người có kinh nghiệm về sinh nở. Người này sẽ ở bên cạnh và giúp bạn sinh con dễ dàng, an toàn hơn.

34. Ghi lại nhật ký ăn uống để bảo đảm rằng bạn đã có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đạt yêu cầu.

35. Tránh làm việc nặng nhọc. Nếu cần dọn lại hay trang trí nhà cửa, hãy nhờ người thân, bạn bè làm giúp. Luôn để cửa sổ rộng mở.

36. Bảo đảm rằng người trông trẻ là người chắc chắn biết cách chăm nom một em bé mới sinh.

37. Học thêm lớp học về sinh con. Tốt nhất học vào thời điểm bạn càng gần ngày sinh càng tốt để có thể nhớ hết những kỹ thuật giúp giảm đau khi sinh nở.

38. Bơi lội sẽ rất tốt cho sức khỏe khi mang thai. Nó giúp bạn thư giãn và giảm đau, cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn.

39. Học thêm về cách cho con bú. Bảo đảm bạn đã nắm hết các kỹ thuật bế con và cho con bú vú mẹ.

40. Duỗi căng chân tay trước khi ngủ để tránh bị chuột rút.

41. Tiếp tục tập thể dục, thậm chí khi bạn đã nặng nề và chậm chạp hơn. Nó giúp bạn phục hồi sức khỏe sau khi sinh tốt hơn.

42. Viết một kế hoạch sinh con. Viết ra những gì bạn cần làm rõ, cần chuẩn bị hay giúp đỡ. Cho bác sĩ của bạn xem kế hoạch này để có thêm tư vấn cũng như chia sẻ kế hoạch này cho những người bạn dự định mời đến thăm con bạn.

43. Chuẩn bị sẵn máy ảnh, máy quay để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời của đời bạn.

44. Tập luyện thở đều, thư giãn bất cứ khi nào bạn có thể. Thử ít nhất một lần trên ngày.

45. Nghiêng, cử động xương chậu để giảm đau lưng cuối thai kỳ. Điều này sẽ giúp bạn giảm đau hiệu quả cũng như sinh con đúng vị trí hơn.

46. Thu dọn đồ đạc sẵn sàng nếu bạn sinh ở bệnh viện hoặc trung tâm y tế. Đừng quên mang theo thẻ bảo hiểm, giấy đăng ký sinh con, máy ảnh, kế hoạch sinh con...

47. Xem lại lần nữa các dấu hiệu sinh nở.

48. Tự chụp cho mình bức ảnh trước khi em bé chào đời.

49. Đọc những câu chuyện về sinh con.

50. Sẵn sàng đón con yêu chào đời.

Theo Phong Thư (Theo About) (Khám phá)