9 cách giúp mẹ mẹ bầu không còn đau đáu với bệnh trĩ khi mang thai Bệnh trĩ khi mang thai là một trong nhiều lo ngại của mẹ bầu. 9 cách sau sẽ giúp mẹ thuyên giảm được cơn đau, phiền toái do bệnh trĩ mang lại. Bệnh trĩ khi mang thai làm mẹ bầu gặp nhiều khó khăn khi đi vệ sinh, chịu nhiều đau đớn, khó chịu trong quá trình ăn uống sinh hoạt. Nếu không có sự chú ý chăm sóc, bệnh trĩ sẽ nặng hơn sau khi sinh. 9 cách sau sẽ giúp mẹ thuyên giảm được cơn đau, phiền toái do bệnh trĩ mang lại. 1. Uống nhiều nước Việc bổ sung đủ nước rất quan trọng đối với mẹ trong suốt thai kỳ. Khi mẹ uống đủ nước giúp thanh lọc cơ thể, tăng lượng nước ối quanh bào thai, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, đảm bảo cho nhu cầu máu tăng cao trong cơ thể mẹ. Nước giúp mẹ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, tránh được hiện tượng táo bón dài ngày, nguyên nhân làm bệnh trĩ khi mang thai thêm nặng. 2. Ăn uống hợp lý Mẹ bầu chú ý bổ sung thêm nhiều chất xơ trong thực đơn ăn hàng ngày. Chất xơ có trong nhiều các loại đậu, rau xanh. Có một số các loại củ quả rất tốt cho mẹ trong việc chữa táo bón, tăng hoạt động đường ruột như cà rốt, khoai lang, chuối, bí đỏ... Khi mang thai, bà bầu nên ăn các loại hoa quả chua như cam, bưởi để bổ sung vitamin C. Nếu có thể nên ăn một, hai hũ sữa chua mỗi ngày. Sữa chua được lên men bởi các loại vi khuẩn tốt, giúp cho việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Mẹ bầu nên tránh sử dụng các thức ăn nhiều dầu mỡ, có tính cay nóng, ớt, tiêu... để tránh cho bệnh trĩ không tiến triển nặng hơn. 3. Bổ sung lượng canxi, sắt phù hợp Mang thai, mẹ thường bổ sung thêm nhiều canxi và chất sắt. Việc bổ sung quá nhiều canxi khi bầu bí và thừa sắt cũng gây nên hiện tượng táo bón dẫn đến bệnh trĩ. Mẹ chỉ nên bổ sung lượng sắt và canxi thích hợp với cơ thể mẹ và bé theo đơn kê bác sĩ. Nếu uống thuốc bị táo bón liên tục kéo dài, hãy nói với bác sĩ để họ thay đổi loại thuốc và canxi khác tốt, phù hợp hơn. 4. Vận động cơ thể Cảm giác mệt mỏi khi mang thai khiến mẹ chỉ muốn nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nhưng sự thật việc nằm lâu không hề có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Mẹ nên vận động cơ thể nhẹ nhàng như đi bộ, hoặc tập những bài tập yoga, bài tập kegel cho bà bầu. Bài tập kegel hàng ngày giúp tăng lưu thông máu ở vùng trực tràng, và tăng cường cơ bắp xung quanh vùng hậu môn rất tốt cho việc chữa trị bệnh trĩ. Việc vận động cũng giúp mẹ quá trình sinh nở sau này diễn ra nhẹ nhàng thuận lợi hơn. Nếu công việc của mẹ phải ngồi nhiều hoặc đứng lâu, hãy cố gắng thay đổi tư thế di chuyển đi lại khoảng 10, 15 phút sau mỗi giờ đứng hoặc ngồi. Khi nằm nghỉ ngơi thư giãn hoặc ngủ, mẹ hãy chọn cách nằm nghiêng về bên trái, tránh nằm ngửa hoặc sấp để giảm ứ máu tại vùng xương chậu và hậu môn. 5. Tránh làm việc nặng, tăng cân quá nhiều Trong thời gian mang bầu mẹ tránh không bê vác các vật nặng cũng như làm nhiều việc nặng nhọc, hay ngồi xổm làm việc. Làm việc nặng dễ làm tăng áp lực lên ổ bụng và vùng xương chậu. Mẹ muốn bồi bổ cung cấp đủ dinh dưỡng cho con cũng cần có chế độ ăn hợp lý, tránh việc tăng cân quá nhiều, chỉ số tăng lý tưởng là từ 12-15 kg. Tăng cân quá nhiều không tốt cho việc điều trị bệnh trĩ, còn dẫn đến nhiều bệnh lý khác cho mẹ. 6. Tắm nước ấm, chườm đá lạnh Tắm nước ấm cũng là cách chữa trị bệnh trĩ hiệu quả cho mẹ. Mẹ hãy ngâm mình trong nước ấm vào buổi tối, vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa giúp tuần hoàn máu dễ dàng. Nếu không mẹ có thể ngâm riêng hậu môn bằng nước ấm pha lẫn muối trắng, việc ngâm như vậy giúp máu ở tĩnh mạch vùng hậu môn lưu thông tốt hơn, giảm sưng, phù nề các búi trĩ. Hoặc mẹ có thể bọc đá lạnh vào túi vải mềm rồi thực hiện phương pháp chườm lạnh, mát xa nhẹ nhàng cho vùng hậu môn cũng rất hiệu quả trong việc giảm đau nhức sưng tấy từ các búi trĩ. 7. Sử dụng các bài thuốc dân gian Các bài thuốc chữa bệnh trĩ từ dân gian rất hiệu quả mà lại an toàn cho cả mẹ và bé trong thai kỳ. Mẹ lấy lá diếp cá rửa sạch đun sôi, bỏ thêm vài hạt muối. Khi nước còn ấm nóng, mẹ dùng ngâm rửa vùng hậu môn, phần bã đắp lên chỗ búi trĩ. Kiên trì làm đều đặn hàng ngày sẽ giúp mẹ đẩy lùi được rắc rối phiền toái do trĩ đem lại. Hoặc mẹ dùng lá thiên lý non, giã lá thiên lý cùng với muối rồi cho vào nồi đun sôi. Lọc nước bỏ phần bã, lấy nước đó thấm bôi đắp vào vùng hậu môn để làm co búi trĩ, giảm sưng tấy. 8. Rèn thói quen vệ sinh Mẹ hãy rèn cho mình thói quen đi vệ sinh đúng giờ mỗi ngày như một phản xạ điều kiện, tránh tình trạng táo bón kéo dài. Khi đi vệ sinh không được ngồi quá lâu để tránh việc tăng áp lực lên trực tràng. Mẹ vệ sinh vùng hậu môn thật sạch sau mỗi lần đi cầu, không sử dụng các loại giấy vệ sinh quá khô, chất lượng không đảm bảo, hoặc giấy có màu, nhiều mùi thơm vì sẽ dễ gây tổn thương, nhiễm trùng các tĩnh mạch ở hậu môn. 9. Thăm khám bác sĩ Và điều cuối cùng nhưng rất quan trọng là khi mang bầu để an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc uống, gel bôi chữa bệnh trĩ nào bán trên thị trường khi chưa có sự cho phép chỉ dẫn của bác sĩ. Cùng với việc đi khám thai thường xuyên để theo dõi tình hình sức khỏe phát triển của thai nhi, mẹ đừng nên bỏ qua việc thăm khám bệnh trĩ khi mang thai để biết chính xác mẹ đang bị trĩ ở cấp độ mấy và bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị bệnh hiệu quả cho mẹ, tránh tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn sau sinh nở. Theo Thu Hiền / Trí Thức Trẻ
|