Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

9 bí mật về chuyện mang thai bạn cần biết nhưng chẳng ai nói


Có những điều mà khi mang thai, chỉ mình bạn mới có thể cảm nhận được bởi không một cuốn sách nào có thể mô tả hết "tất tần tật" mọi thay đổi tâm, sinh lý của một bà mẹ tương lai.

1. Mang thai là chuyện không hề đơn giản

Mang thai là cả một quá trình và không hề đơn giản. Mang trong mình một mầm sống đang lớn lên từng ngày là điều tuyệt vời và vô cùng thiêng liêng, nhưng không có nghĩa mang thai là quãng thời gian chỉ chứa những điều tốt đẹp. Nó sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị, hạnh phúc và cả những điều "khủng khiếp" dường như chỉ có thể ở trong tưởng tượng mà thôi.

Cơ thể bạn sẽ phải thay đổi để chứa đựng và nuôi dưỡng em bé trong bụng. Những chuyện như ốm nghén, nôn ói, ngực căng tức, đau bụng, mất ngủ, đi tiểu suốt đêm, rạn da, chân tay bị phù nề, mũi to hơn, da sạm đi, đau nhức cơ bắp, khó tiêu... khiến bạn khó chịu và tự ti về cơ thể mình.

Bụng bầu lớn ở những tháng cuối cũng làm bạn trở nên chậm chạp và lười biếng hơn. Bạn yêu bé con của mình, mong ngóng ngày con yêu chào đời nhưng không yêu tất cả mọi thứ diễn ra quanh mình trong suốt 9 tháng 10 ngày này.

2. Không nhất thiết phải ăn cho hai người

Nhiều người mang thai được khuyên rằng phải ăn càng nhiều càng tốt, ăn bất cứ thứ gì mình muốn, "ăn cho hai người" bởi bây giờ bạn không chỉ nuôi cơ thể mình mà quan trọng hơn tất thảy là sự phát triển mỗi ngày của em bé trong bụng. Không có gì là đáng xấu hổ về chuyện bạn ăn nhiều hơn tất cả mọi người trong bàn ăn cả. Nhưng việc ăn cho hai người khi mang thai thực sự là không nên.

Thay vào đó, hãy tạo lập và duy trì cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho cả mẹ và bé, đảm bảo việc tăng cân đúng chuẩn. Đó là điều không hề dễ dàng đối với từng bà bầu. Hãy thưởng thức từng món ăn, ăn một cách ngon miệng chứ không phải là cố gắng ăn hết tất cả các thứ cho hai người. Chú ý khám thai và kiểm tra cân nặng thường xuyên để đảm bảo bạn không tăng cân quá nhiều, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

3. Bạn cần quần áo bà bầu càng sớm càng tốt

Với cái bụng ngày càng lớn của mình, bạn sẽ không thể mặc vừa những bộ quần áo yêu thích trước đây nữa. Những chiếc váy, áo quần bó sát tạm thời trở thành "kỷ niệm" cho đến khi bạn sinh xong em bé, thậm chí lâu hơn để nhường chỗ cho những bộ đồ dành cho bà bầu - rộng rãi và thoải mái. Có thể bạn không thích nhưng vẫn phải chấp nhận thực tế này và mang chúng lên người. Bố bé và mọi người trong gia đình sẽ cảm thấy an tâm hơn về sự phát triển của bé yêu khi bạn mặc đồ rộng rãi lúc mang thai hơn là những bộ bó sát cơ thể.

Ban đầu, khi chưa quen mặc những bộ đồ rộng - bạn sẽ cảm thấy tự ti, thậm chí không muốn soi mình trong gương nhưng dần dần bạn sẽ nhận ra, những bộ trang phục dành cho bà bầu cũng rất đẹp và không phải ai cũng được diện nó. Thực tế, có rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã, phong cách và giá cả phải chăng giúp bạn lựa chọn cho mình những bộ quần áo, váy bầu may sẵn đẹp, dễ thương và ưng ý.

 

4. Những thay đổi của cơ thể khi mang thai là hoàn toàn bình thường

Quá trình mang thai sẽ khiến bạn thay đổi cả về thể chất và tinh thần. Bụng bạn ngày càng lớn dần, những đường cong vốn có của cơ thể bị mất đi... Bạn có thể thấy một chút khó chịu khi thấy hình dáng của mình bị thay đổi, bản thân dễ xúc động hơn trước. Đừng lo, đó là điều hoàn toàn bình thường. Dần dần bạn sẽ quen và thích ứng với những thay đổi của bản thân để phù hợp với sự phát triển kỳ diệu của em bé trong bụng. Thậm chí, bạn sẽ cảm thấy an tâm và hạnh phúc hơn khi thấy mình tăng cân đều đặn, bé yêu phát triển tốt...

5. Không ai muốn người lạ xoa bụng mình

Chính bạn cũng có thể nhận ra điều này. Ngoại trừ bố bé và một số người thân thiết, gần gũi nhất trong gia đình bạn mới muốn họ chạm vào bụng bầu ngày càng lớn của mình. Những người lạ - nhất là người khó tính, người bạn không có thiện cảm... bạn không muốn họ chạm vào bụng của mình bởi cảm giác lo sợ những người này "không mát tay" với em bé. Mặc dù đó chỉ là quan niệm riêng của từng người nhưng theo khoa học, cũng không nên xoa bụng bầu bởi có thể kích thích tử cung, gây ra các cơn co, dẫn đến làm động thai, sảy thai và sinh non. Vì vậy, bạn cũng đừng xoa bụng bầu của một người lạ, sẽ khiến họ khó xử và không mấy dễ chịu.

 

6. Quá trình vượt cạn không quá đáng sợ

Dường như với tất cả những người đã từng có ít, nhiều kinh nghiệm trong quá trình vượt cạn khó khăn của mình đều muốn chia sẻ lại cho các bà bầu chuẩn bị sinh nở. Một số người đưa ra những kinh nghiệm bổ ích trong khi một số người lại cường điệu việc đó lên, rằng sinh nở là chuyện vô cùng khủng khiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những ca khó sinh vẫn có những bà bầu vượt cạn dễ dàng. Họ không mất quá 3 giờ để sinh em bé. Bạn hãy giữ cho mình sự bình tĩnh, cố gắng hít thở sâu, dồn sức để sinh em bé thay vì lo lắng và căng thẳng quá mức. Những suy nghĩ về bé yêu, mong muốn được nhìn thấy thiên thần bé con của mình sẽ giúp mẹ quên đi đau đớn của cơn chuyển dạ để sinh bé.

7. Cơ thể bạn chưa thể trở lại ngay như khi chưa có em bé

Có một thực tế mà các bà bầu cần phải chấp nhận là sau khi sinh xong, cơ thể bạn chưa thể trở lại như khi chưa có em bé. Những bộ quần áo yêu thích giúp bạn có thể "khoe" những đường cong quyến rũ của cơ thể như trước chưa thể mặc được ngay. Cần một khoảng thời gian nhất định để cơ thể bạn phục hồi sau quá trình vượt cạn. Vì vậy bạn đừng quá lo lắng hay tự ti về bản thân nếu có ai đó bàn ra tán vào về cơ thể không đẹp của một bà mẹ mới sinh con xong.

8. Sau khi sinh xong, bụng bạn trông rất kinh khủng

Bạn đừng buồn và mặc cảm khi nhìn cơ thể mình trong gương sau khi sinh xong. Bụng bạn có thể sổ ra, nhão nhoét như bột bánh mỳ, bạn nhìn thấy các cơ bụng và da bụng không săn chắc như khi chưa có em bé... Nhưng bạn đừng lo, dần dần nó sẽ trở lại bình thường chỉ cần bạn kiên nhẫn có kế hoạch tập luyện, ăn uống hợp lý để lấy lại vóc dáng sau sinh.

 

9. Bạn có thể bị khủng hoảng cảm xúc sau sinh

Một số phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và lo lắng sau khi sinh. Họ có thể đã mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Nguyên nhân là do thay đổi về nội tiết, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa hay do mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, khó khăn trong chăm sóc bé... dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc, không kiểm soát được cảm xúc. Những lúc này, sự quan tâm và động viên, giúp đỡ của những người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng sẽ giúp vợ mình vượt qua giai đoạn khủng hoảng cảm xúc sau sinh.

Điều quan trọng nữa là bạn phải tin tưởng vào bản thân. Bạn cần kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sau sinh sẽ đến sớm. Đau và nhức xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn thì những cảm xúc tiêu cực sau sinh cũng sẽ dần mất đi.

Chú ý nghỉ ngơi nhiều bởi mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và có thể nhờ người khác cho bé bú. Ăn uống đủ chất, thêm nhiều rau xanh và trái cây. Đừng ép bản thân làm những điều không thích hoặc những điều khiến bạn khó chịu.

Theo Lan Dương / Trí Thức Trẻ