Theo trang The Conversation, Nhật Bản hiện đứng thứ 2, sau Singapore, về khả năng toán học trên bảng xếp hạng PISA (Program for Intenational Student Assessment) - bảng xếp hạng dựa trên những khảo sát quốc tế về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới.
Từ khi bắt đầu lên 7 hoặc 8 tuổi, tất cả trẻ em Nhật Bản đều được dạy về "jingle kuku", có thể hiểu nôm na là bảng cửu chương bằng những câu thơ có nhiều vần điệu.
Trẻ em Nhật Bản phải học thuộc lòng những câu thơ toán học đồng thời cả ở trên lớp và ở nhà. Nhiều cuộc thi địa phương được tổ chức để học sinh ở các khối lớp có thể xem ai sẽ là người sắp xếp tất cả 81 dòng thơ "kuku" nhanh nhất. Alex Bellos - nhà báo chuyên viết về mảng khoa học - nhận thấy rằng học sinh Nhật Bản biết kết quả phép tính 7x7 nhanh hơn nhiều lần so với học sinh Úc, không phải vì họ có khả năng đặc biệt hơn, mà nhờ cách giáo dục sáng tạo thông qua những câu thơ điệp vần.
Người Nhật hiểu rằng việc dạy và học đi theo xu hướng tiếp cận nhanh chóng nhưng phải gợi sự hứng thú và không gây căng thẳng mới là cốt lõi của phương pháp dạy học. Nhiều trường hoạt động độc lập tại Nhật đều dạy trẻ em sử dụng bàn tính gẩy (abacus) để học cách tính toán siêu tốc, kích thích phát triển trí tuệ và cải thiện khả năng tập trung khi học toán. Bàn tính gẩy giúp người học hình dung con số thông qua hình ảnh các hạt bàn tính màu sắc chuyển động, kích thích lộ trình tư duy từ não trái sang não phải.
Trẻ em Nhật - Ảnh: AFP
Ban đầu, trẻ em Nhật sử dụng bàn tính gẩy để thực hiện các phép tính số học đơn giản. Sau đó, các em tiến bộ hơn sẽ dùng chính khả năng tưởng tượng sự chuyển động của các hạt trên bàn tính để tính nhẩm ra kết quả.
Trẻ em Nhật thường dành từ 1 đến 2 hoặc từ 2 đến 4 buổi tối/tuần để luyện tập với bàn tính gẩy. Trung bình các trường ở Nhật cũng sẽ dành ra nhiều nhất là 4 tiết (45 phút/tiết) cho môn học này.
Nhiều trường hợp cho thấy, sau một vài năm học và luyện tập theo phương pháp trên, học sinh Nhật có thể tính nhẩm cùng lúc một dãy 7 hoặc 8 số nhanh chóng.
Theo GĐ&XH