Đánh tan hoài nghi: Rau củ sặc sỡ không tốt cho trẻ Tiến sĩ- Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trẻ cần được ăn đa dạng các loại rau củ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau củ rất giàu vitamin và khoáng chất. Rau càng tươi ngon thì hàm lượng xenlulozơ và các khoáng chất như sắt, canxi,... càng phong phú. Nhờ màu sắc của rau củ mà các mẹ có thể nhận biết rau củ chứa những loại vitamin gì. Và như hầu hết các mẹ đều biết, những loại rau củ có màu sắc sặc sỡ như cà rốt, bí đỏ, củ dền, cải bó xôi,... chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng không nên sử dụng rau củ sặc sỡ trong thực đơn ăn dặm của trẻ vì chúng chứa nhiều nitrat (như củ dền), gây hại cho sức khỏe của trẻ. Tiến sĩ- Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế- Viện dinh dưỡng Quốc gia sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan tới vấn đề cho trẻ ăn rau củ có màu sắc sặc sỡ. Các chất dinh dưỡng có trong rau củ sặc sỡ Màu sắc của rau củ tươi đều tượng trưng cho những chất dinh dưỡng tự nhiên rất có ích cho sức khỏe của trẻ nhỏ nói riêng và con người nói chung. Dựa vào màu sắc của rau củ có thể nhận biết được các chất dinh dưỡng chứa trong đó: - Rau củ có màu xanh lá chứa rất nhiều lutein và zeaxanthin, giúp bảo vệ thị lực và làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, một trong những nguyên nhân dẫn đến mù lòa. - Rau củ màu đỏ: từ cà chua, hành đỏ, củ dền, củ cải đường,... chứa hợp chất Lycopene giúp làm giảm triệt để nguy cơ mắc bệnh về tim mạch. - Rau củ màu trắng chứa chất anthoxathin và allicin giúp phòng chống các bệnh tim mạch, giảm lượng cholesterol trong máu, chống lại các tế bào ung thư. - Rau củ màu cam: giàu beta-carotene, vitamin A, C giúp cho đôi mắt luôn sáng khỏe, làn da mịn màng căng bóng. Dựa vào màu sắc của rau củ có thể nhận biết được các chất dinh dưỡng (ảnh minh họa) Nên cho trẻ ăn rau củ sặc sỡ Tiến sĩ- Bác sĩ Hưng cho biết: "Bản chất các loại rau củ như cà rốt, củ dền,...đã có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt hơn các loại rau củ khác. Việc các mẹ cho rằng ăn rau củ có màu sắc sặc sỡ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ là không đúng. Theo tôi, vấn đề ở đây là mình phải kiểm tra được nguồn gốc của thực phẩm. Nếu thực phẩm đảm bảo an toàn thì sẽ chế biến cho trẻ ăn." Bác sĩ Hưng nhấn mạnh thêm, trong thời gian trẻ ăn dặm mà được ăn thực phẩm đó thì các mẹ buộc phải cho con ăn để đảm bảo chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển. Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế - Viện dinh dưỡng Quốc gia "Nguyên tắc nuôi dạy trẻ là phải đa dạng thực phẩm, các loại thực phẩm phải thay đổi. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn 1 loại thực phẩm trong thời gian liên tục. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng trẻ thừa vitamin A, Beta-carotene không tốt cho sức khỏe của trẻ", bác sĩ Hưng khuyến cáo. Ăn rau củ theo mùa Đối với trẻ nhỏ, các mẹ nên chú ý tới khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ. Đặc biệt, cần tăng cường khẩu phần ăn khi trẻ lớn hơn so với trước. Bác sĩ Hưng cho hay: "Hết 6 tháng đầu nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho bé. Thời gian đầu ăn dặm, nên cho trẻ ăn với liều lượng ít, khi trẻ lớn dần thì cho trẻ ăn tăng dần hơn. Mỗi tuần, nên cho trẻ ăn từ 3-4 bữa rau củ có màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên, phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm". Để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, các mẹ nên cho trẻ ăn rau củ theo mùa để tránh các loại rau củ có thuốc kích thích hay thuốc hóa học độc hại. "Các mẹ nên cho trẻ ăn theo kiểu mùa nào rau của nấy. Ví dụ như: mùa đông cho con ăn su hào, cà rốt, súp lơ,... mùa hè thì cho con ăn rau ngót, rau muống,... Khẩu phần ăn như vậy sẽ đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, cần có sự xen kẽ rau củ trong các bữa ăn", bác sĩ Hưng chỉ rõ.
Theo Vân Anh (Khám Phá)
|