Ngày 26-11, tại Sở GD-ĐT TP.HCM đã diễn ra Hội nghị về rà soát danh mục các dự án đầu tư - xây dựng các trường mầm non công lập (MN CL) theo Quyết định 41/2014 của UBND TP (sau đây gọi tắt là QĐ 41) về Chương trình huy động vốn cho vay đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Cô trò Trường MN Hoa Phượng 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) trong những ngày đầu ở ngôi trường mới. Ảnh: Q.Huy
Khó đạt chỉ tiêu 70-30
Theo QĐ 41 của TP, công tác xã hội hóa GD phải được đẩy mạnh trong quy hoạch chung về mạng lưới trường lớp của 24 quận, huyện, phấn đấu đến năm 2020 trường MN CL phải đạt 70%, 30% là ngoài CL và tại các KCN-KCX phải đạt 70% ngoài CL, 30% CL. Theo đó, TP đã có 21 quận, huyện vượt 30% ngoài CL, hiện chỉ còn quận 4 và 2 huyện Củ Chi, Cần Giờ chưa đạt được tỷ lệ này.
Nêu thực trạng về mạng lưới trường lớp MN, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: "Để đảm bảo đủ chỗ học cho các cháu lứa tuổi MN được đến trường trong thời gian từ năm 2020 đến 2021, Sở GD-ĐT đã đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư trình Thường trực UBND TP cho phép tiếp tục triển khai các dự án xây dựng trường MN CL với số lượng phòng mới tăng thêm 5.240 phòng - 969 phòng = 4.271 phòng (đợt 1 chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường MN CL trên địa bàn TP đã triển khai và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2016 là 969 phòng). Nếu không triển khai nhanh, cùng với Luật Đầu tư công đã có hiệu lực sẽ khó khăn rất nhiều trong việc xây trường, nhất là những dự án xây trường MN".
Ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT cũng cảnh báo: "Hiện TP có 13.179 phòng học MN (bao gồm CL và ngoài CL), theo quy hoạch đến năm 2020 phải đạt 19.260 phòng học cho trên 500.000 học sinh. Theo lộ trình, tháng 3-2016, sau khi các tỉnh, TP báo cáo Chính phủ về mạng lưới quy hoạch trường lớp, các dự án được phê duyệt..., Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để phê duyệt quy hoạch. Theo cách làm "sơ sài" như hiện tại, chắc chắn việc thiếu trường MN sẽ khó khắc phục". Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Huỳnh Nhật Trường phản hồi: Sở đã tiếp nhận báo cáo tổng hợp hồ sơ 138 dự án xây trường MN của các quận, huyện tương đương với 1.681 phòng học mới. Tuy nhiên, 138 dự án này không được Hội đồng thẩm định của TP phê duyệt vì hồ sơ chỉ báo cáo chung chung. Cụ thể như nói thiếu chỗ học nhưng không nêu được thực trạng tại sao thiếu? quy hoạch trường MN có nằm trong quy hoạch chung của toàn quận? lộ trình xây dựng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết ra sao...? đều bị các quận, huyện "bỏ quên"!
"Việc 138 dự án chưa được phê duyệt, trong khi thời gian để TP báo cáo Chính phủ chỉ còn tính bằng ngày nếu hoàn chỉnh nhanh các yêu cầu của QĐ 41 theo kế hoạch trung hạn là 5 năm thì mới cơ bản đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, nhất là con em của người nhập cư chưa có hộ khẩu TP. Còn qua tháng 3-2016, những dự án trường MN nhỏ, lẻ sẽ không được phê duyệt và các quận, huyện tiếp tục phải đợi 5 năm kế tiếp", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam cho biết thêm.
Phải linh động
Trăn trở với việc phấn đấu phải đạt 70% trường MN CL, ông Phạm Hùng Dũng - Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 cho biết: "Do đặc thù lịch sử để lại, việc xây trường MN CL trên địa bàn quận gặp rất nhiều khó khăn, vì không có quỹ đất hoặc có nhưng giá đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn nên dự án không triển khai được. Có dự án, đã có đất trống (tại phường 3), UBND quận kiến nghị với TP phê duyệt để xây trường nhưng không được chấp thuận. Hay dự án xây trường MN do một doanh nghiệp trên đường Cách Mạng Tháng 8 quy hoạch trong tổng thể dự án căn hộ cao cấp của họ, dự án xây đã xong nhưng chủ đầu tư "lờ" xây trường quận cũng đành "bó tay"!
Trường MN 13, Q.Bình Thạnh vừa được xây mới và đưa vào sử dụng
Cần Giờ có 11 trường MN CL và 1 trường MN ngoài CL (đạt 9,09% công tác xã hội hóa GD), theo QĐ 41 phải đạt 30% là không thể thực hiện vì đặc thù của huyện này cũng như huyện Củ Chi do là vùng xa, vùng sâu khó kêu gọi xã hội hóa, cần phải cho các huyện này cơ chế riêng mới đáp ứng được trường, lớp cho học sinh. Còn ông Trần Minh Điện - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQLĐTXDCT) Q.7 đặt câu hỏi: "Theo QĐ 41, những quận, huyện có KCX-KCN phải đạt tỷ lệ 70% trường ngoài CL nhưng thực tế đất lại do Ban quản lý các KCN-KCX quản lý, vậy làm sao kêu gọi được xã hội hóa?". Đồng quan điểm, ông Tạ Tân - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú nêu thực tế tại địa phương đang mắc phải: "Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 Tân Phú phải xây mới 52 trường MN mới đáp ứng đủ chỗ học, quận có 9 khu đất đang kêu gọi đầu tư xây nhưng theo QĐ 41 KCN phải đạt 70% xã hội hóa là không khả thi vì vượt thẩm quyền của quận. Để làm được, TP phải vào cuộc mới hi vọng kêu gọi được các chủ đầu tư vào các dự án tại đây".
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cũng cho rằng: Để đạt chỉ tiêu 70% trường CL là rất khó vì vốn và quỹ đất không còn nhiều. Hơn nữa Bình Tân có KCN, dân nhập cư tăng cao mỗi năm, do đó TP nên khuyến khích và tạo cơ chế cho quận với tỷ lệ 50-50 trong công tác kêu gọi xã hội hóa GD. "Theo kế hoạch, năm 2016 Bình Tân sẽ đưa vào sử dụng 12 trường MN mới nhưng với trên 21.000 trẻ đang học tập tại các nhóm trẻ thì Bình Tân cần phải xây mới 37 trường MN mới đáp ứng được chỗ học cho số trẻ này. Vì vậy, việc linh động trong công tác xã hội hóa GD để Nhà nước và nhân dân cùng làm, thì mới khả thi và đáp ứng được chỗ học cho trẻ", ông Tuyên đề xuất.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam yêu cầu: "Những thuận lợi, khó khăn của các quận, huyện trong quy hoạch trường MN BQLĐTXDCT phải phối kết hợp chặt chẽ với các phòng ban của quận, huyện mình nhanh chóng hoàn thành bảng quy hoạch tổng thể chi tiết, trình lãnh đạo quận, huyện xác nhận và ký rồi mới gửi về Sở GD-ĐT để làm tổng hợp báo cáo gửi UBND TP. Đối với 138 dự án đã trình nhưng chưa được Hội đồng thẩm định TP phê duyệt, các quận, huyện phải rà soát nhanh, bổ sung những thiếu sót theo QĐ 41. Lưu ý phải nêu bật được những tiêu chí, thực trạng cấp bách của dự án, giải pháp, tiến độ thi công... đặc biệt, khâu quan trọng nhất trong thực hiện dự án đó là huy động vốn, vay đầu tư xây dựng trường nếu tính toán không kỹ, thời gian kéo dài sẽ không đủ khả năng cho các trường trả lãi ngân hàng...".
Theo Báo Giáo Dục