Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tai hại ‘giật mình’ khi để trẻ sơ sinh ngủ dưới ánh đèn


Nguy cơ bị cận thị cao hơn, hệ thần kinh bị ảnh hưởng,... là những tác hại ‘không ngờ' từ đèn ngủ đối với trẻ sơ sinh.

Nhiều cha mẹ lo lắng con yêu sợ bóng tối, không ngủ ngon giấc ban đêm nên đã sắm những chiếc đèn ngủ xinh xinh đặt trong phòng để giúp bé yên tâm ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, đèn ngủ lại chính là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ hơn và còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Dưới đây là những tác hại ‘ít ai ngờ' từ ánh sáng đèn ngủ đối với các bé sơ sinh:

Phá vỡ nếp ngủ đều đặn của bé

Trẻ sơ sinh không nhận thức được đâu là ngày, đâu là đêm, vì thế việc giúp bé phân biệt hai khái niệm này là cực kì quan trọng để hình thành cho bé một nếp ngủ ngoan, đều đặn. Bật đèn ngủ trong phòng ngủ của trẻ khiến trẻ không thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa ban ngày và ban đêm, khả năng bố mẹ bị đánh thức giữa thường xuyên bởi bé đang ngủ lại bật dậy quấy khóc là rất cao.

Do đó, khi trẻ đi ngủ vào ban đêm, cần hạn chế hết mức có thể các loại ánh sáng và tiếng ồn, trong khi ban ngày thì lại cần kích thích trẻ bằng ánh sáng và nhiều hoạt động để trẻ nhận thức được, lúc nào là giờ đi ngủ, lúc nào không phải. Điều này vừa giúp trẻ ngủ tốt, ngủ sâu mà bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Nguy cơ bị cận thị cao hơn, hệ thần kinh bị ảnh hưởng,... là những tác hại ‘không ngờ' từ đèn ngủ đối với trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)

Gây hại cho hệ thần kinh

Sử dụng đèn ngủ thường xuyên cho trẻ sơ sinh còn ngăn cản quá trình cơ thể bé tiết ra chất melatonin - một loại hooc môn được kích thích tiết ra nhiều nhất khi không có sự xuất hiện của ánh sáng. Não bộ chủ yếu chỉ sản xuất ra chất này vào ban đêm, vì thế mà melatonin còn được gọi là "hooc-môn của bóng tối".

Melatonin đóng vai trò cực kì quan trọng đến sức khỏe của hệ thần kinh. Nhờ có melatonin mà trẻ có được giấc ngủ sảng khoái, êm đềm vào ban đêm và không bị mệt mỏi, khó chịu khi thức giấc vào buổi sáng. Vì thế, đừng quên tắt đèn khi trẻ ngủ để thiết lập nhịp điệu sinh học trong não bé, điều hòa giấc ngủ tự nhiên và giúp bé luôn có một tâm trạng thư thái, dễ chịu.

Tăng nguy cơ trẻ bị cận thị

Nghiên cứu của một nhóm giáo sư chuyên khoa mắt tại viện Scheie Eye ở in Pennsylvania, Hoa Kỳ (1999) trên 479 trẻ em trong độ tuổi từ 2-16 cho thấy: những trẻ em ngủ với đèn ngủ bật trong phòng trước năm 2 tuổi có nguy cơ bị cận thị cao gấp 5 lần so với những trẻ em ngủ trong bóng tối. Kết quả của nghiên cứu này vẫn còn đang gây khá nhiều tranh cãi nhưng để phòng ngừa, tốt nhất các bậc phụ huynh vẫn nên hạn chế việc để con ngủ dưới ánh đèn.

 

Theo Gia Thành (mercola.com) (Khám phá)