Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Một vài cách hay dạy con nói lời xin lỗi chuẩn nhất


Nếu trẻ nói lời xin lỗi một cách miễn cưỡng thì việc đó có hại nhiều hơn có lợi.

Khi trẻ con bất hoà hay gây gổ với nhau, các bậc cha mẹ thường tìm cách giảng hoà cho các bé bằng cách yêu cầu trẻ nói lời xin lỗi. Những đứa trẻ bị buộc nói lời xin lỗi đối phương khi mà chúng không hề mong mốn, đó là cách nói với thái độ miễn cưỡng.

Theo Laura Markham, chuyên gia viết sách tâm lý trẻ em thì lời xin lỗi miễn cưỡng có hại nhiều hơn có lợi. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ về việc chúng bị cha mẹ buộc phải nói lời xin lỗi với bạn hay em mình, bạn sẽ thấy câu trả lời ngạc nhiên:

"Khi con đang điên lên vì tức, con ghét nói lời xin lỗi, nó chỉ làm cho con thêm điên lên".

"Con không thích anh trai xin lỗi con khi mà cha mẹ con buộc anh ấy làm điều đó, bởi vì anh ta hành động như thể anh ta không hề mốn. Điều đó chỉ làm con tức giận thêm lần nữa".

"Đó là một lời nói dối, anh ấy thật sự không thấy có lỗi".

Buộc con nói những câu "Anh/em xin lỗi" là một trong những cách dạy con sai lầm bởi điều này không thể giải quyết được mâu thuẫn.

Các nghiên cứu về mối quan hệ vợ chồng từ nhiều thế kỷ trước đã cho thấy khi vợ hoặc chồng buộc phải nói lời xin lỗi miễn cưỡng với bạn đời khi họ chưa nhận ra sai lầm của mình hoàn toàn không giúp mối quan hệ tốt hơn. Markham đã nói với Yahoo Parenting: "Chúng tôi tin rằng điều này cũng đúng đối với trẻ em khi mà các bé bị buộc nói lời xin lỗi với bạn bè hay anh chị em".

Vậy bạn phải dạy con điều gì?

 

1. Tập trung vào việc giúp đỡ trẻ giao tiếp với nhau hơn là buộc trẻ nói lời xin lỗi

Giúp trẻ lắng nghe nhau bằng cách yêu cầu từng đứa trẻ trình bày lại sự việc gây mâu thuẫn. Qua đó bạn sẽ hiểu được vấn đề gây bất hòa giữa chúng. Phân tích và chỉ dẫn cho trẻ điều đúng, điều sai. Qua đó, những đứa trẻ sẽ hiểu nhau hơn và mối quan hệ sẽ được hàn gắn. "Một lời xin lỗi miễn cưỡng gần như vô nghĩa kể cả với người lớn", Markham đã viết như vậy trong cuốn sách của mình.

2. Chờ cho đến khi cơn giận đã lắng xuống

Nếu con bạn chủ động gợi ý xin lỗi, hãy lắng nghe giọng nói của bé. Nếu trong thanh âm của bé vẫn còn sự giận dữ, bạn cần cho bé thêm thời gian để cơn nóng giận qua đi. Hãy nói với con bạn như sau: "Mẹ không muốn con nói lời xin lỗi bạn/em khi con vẫn chưa nhận thấy lỗi của mình" hay "Mẹ không muốn con xin lỗi bạn/em khi mà lời xin lỗi của con không làm cho ai đó cảm thấy khá hơn".

3. Để trẻ chủ động tự giải quyết vấn đề của mình

Điều này không có nghĩa là bạn để mặc trẻ với mối quan hệ đổ vỡ và những lỗi lầm. Thay vào đó, bạn nên chỉ cho con cách thức hàn gắn để mối quan hệ tốt đẹp trở lại. Bạn có thể đưa ra các ý tưởng cho con như: viết một tấm thiệt đẹp kèm theo lời xin lỗi, hay sửa chữa món đồ chơi bị hư cho bạn/em trai. Markham đã chỉ cho các bậc cha mẹ, sau khi gợi ý cho con hãy nói rằng: "Mẹ tin chắc con biết mình cần làm những gì" và rời khỏi phòng.

4. Cha mẹ là tấm gương cho trẻ noi theo

"Trẻ con luôn quan sát và học hỏi cách xử lý mâu thuẫn trong mối quan hệ của các bậc cha mẹ", Markham viết. Vì vậy khi có mâu thuẫn trong gia đình, cha mẹ cần phải có cách xử lý khéo léo, để chắc chắn rằng thông điệp xin lỗi của mình là chân thành. Lời nói, hành động cần mang thông điệp tích cực, không phải là một lời xin lỗi miễn cưỡng để trẻ có thể học hỏi, noi theo.

Theo Như Ý / Trí Thức Trẻ