Muôn kiểu bế trẻ “hỏng dáng, hại con” mẹ cần tránh Bế cắp nách trẻ quá sớm, vừa bế vừa rung lắc mạnh,... cực kì tai hại và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chân bé cong vì mẹ bế cắp nách? Trẻ sơ sinh mỏng manh, yếu ớt, luôn cần được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Vì thế mà việc bế ẵm các bé có thể khiến nhiều ông bố bà mẹ, nhất là những người sinh con đầu lòng, vô cùng lo lắng và bối rối. Xương trẻ sơ sinh rất yếu nên nếu bế không đúng cách có thể gây ra dị tật, khiến trẻ có dáng đi xấu về sau, hoặc gặp phải những chấn thương không đáng có. Dưới đây là những kiểu bế con sai mà các bậc phụ huynh cần tránh: Bế cắp nách trẻ quá sớm Nhiều người lớn có thói quen bế cắp nách trẻ nhỏ mà không biết rằng giai đoạn bé từ khi sinh đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất để kiến tạo xương. Đây cũng là giai đoạn xương bé chịu ảnh hưởng nhiều từ tác động bên trong và bên ngoài cơ thể trẻ. Theo Bác sĩ chuyên khoa Nhi, Vũ Duy Hà Giao (Cục Y tế - Bộ Công an) bế cắp nách thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến xương chậu, xương đùi, cẳng chân khiến chân bé bị vòng kiềng. Ở bé gái sẽ khiến méo khung xương chậu và bé trai bị lệch tinh hoàn, tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản sau này. Tốt hơn hết, phụ huynh nên từ bỏ thói quen bế cắp nách trẻ từ sớm. Tốt hơn hết, phụ huynh nên từ bỏ thói quen bế cắp nách trẻ quá sớm (Ảnh minh họa) Bế lên đặt xuống mà không đỡ đầu Đầu của trẻ sơ sinh rất yếu ớt, phải đến tuần thứ 4 các bé mới bắt đầu tự điều chỉnh đầu mình được một chút. Do đó, cả khi bế trẻ lên và đặt trẻ xuống, đùng quên đỡ lấy đầu bé thật nhẹ nhàng. Vừa bế vừa rung lắc mạnh Hành động vừa bế trẻ vừa rung lắc mạnh để nựng nịu, chơi đùa cùng bé, kích thích bé cười hoặc dỗ dành bé trong lúc khó ngủ khá phổ biến. Tuy nhiên, điều này gây nguy hiểm cực nghiêm trọng cho não bộ của trẻ, về lâu dài có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Não của trẻ sơ sinh khá mềm và màng não rất mỏng, khối cơ cổ lại quá yếu, không đủ sức nâng đỡ đầu nên rung lắc mạnh dễ gây ra chấn thương cho não, cổ bị gập tới gập lui không kiểm soát được. Rung lắc mạnh cũng không khiến bé dễ ngủ, nín khóc như nhiều bố mẹ vẫn tưởng mà còn có thể làm bé khó chịu, quấy gắt hơn. Rung lắc quá mạnh về lâu dài có thể gây tổn thương não bộ cho trẻ. (Ảnh minh họa) Đeo phụ kiện, trang điểm đậm khi bế bé Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non yếu cũng như sức đề kháng rất kém, dễ bị các vi khuẩn, vi rút bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Do đó, hãy nhớ rửa tay, vệ sinh sạch sẽ trước khi bế trẻ. Trang điểm phấn son quá đậm, xức nhiều nước hoa cũng dễ làm trẻ bị dị ứng với các thành phần hóa chất. Bên cạnh đó, nên tháo hết các loại vòng đeo tay sắc nhọn trước khi bế bé để tránh làm trầy xước làn da non nớt, mỏng mảnh của bé. Bố mẹ trẻ không những phải lưu ý những điều trên mà còn cần kiên quyết nhắc nhở các vị khách đến thăm con mình thực hiện theo.
Theo Gia Thành (TH) (Khám phá)
|