Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

10 nguy hiểm rình rập mẹ bầu suốt thai kỳ


Tiểu đường thai kỳ, sa sinh dục, bị rạch tầng sinh môn là những điều không mong muốn có thể xảy đến với mẹ bầu.

1. Rh không tương thích

Nhóm máu Rh được phân ra Rh dương tính (+) và Rh âm tính (-). Nhóm máu Rh không tương thích là trường hợp ở cơ thể người mẹ thuộc nhóm Rh (-), còn thai nhi thuộc nhóm Rh (+). Lúc này, máu của người mẹ sẽ sinh ra kháng thể để kháng với máu của thai nhi. Thông thường nếu người mẹ có Rh (-), người chồng có Rh(+) thì đứa trẻ sẽ mang Rh (+).

Khi mang thai lần đầu, dạng phản ứng này phát sinh tương đối muộn, không ảnh hưởng gì lớn đến thai nhi nên vẫn có thể sinh đẻ bình thường. Nhưng mang thai lần thứ hai, nếu thai nhi vẫn thuộc nhóm máu Rh (+) thì trong nhóm máu của mẹ đã có kháng thể, vì thế hồng cầu của thai nhi sau hai, ba lần tiếp xúc với kháng thể sẽ bị phá huỷ. Tình trạng này có thể dẫn đến thai nhi bị chết trong tử cung vì thiếu máu nghiêm trọng. Nếu trong trường hợp trẻ vẫn có thể được sinh ra, trẻ sẽ bị mắc chứng vàng da, sự phát triển của não bộ, trí lực và các cơ quan trọng yếu trong cơ thể bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, phụ nữ có nhóm Rh (-) phải đặc biệt chú ý khi có thai lần thứ hai trở đi.

Vì thế các mẹ cần tiến hành kiểm tra trước nhóm máu Rh của mình, nếu phát hiện sớm tình trạng không tương thích Rh giữa mẹ và thai nhi thì các bác sĩ có thể sẽ tìm cách khắc phục để đảm bảo an toàn cho cả hai trong suốt thai kỳ.

2. Tắm bồn nước nóng có thể ảnh hưởng đến não của thai nhi

Thư giãn trong bồn tắm nước nóng trong thời gian mang thai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi. Nhiệt độ cơ thể bà bầu tăng đột ngột lên 4 độ (trong trường hợp ngâm mình trong bồn nước nóng) sẽ khiến nguy cơ trẻ sinh ra bị các dị tật bẩm sinh, trí não phát triển kém cao gấp 3 lần so với bình thường. Đặc biệt, rủi ro này càng lớn trong khoảng thời gian từ 4-6 tuần đầu tiên của thai kỳ, thời điểm mà nhiều phụ nữ không biết mình đã có thai.

Thư giãn trong bồn tắm nước nóng trong thời gian mang thai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi (Ảnh minh họa)

3. Chọc ối

Nếu bà bầu trên 35 tuổi, gia đình có lịch sử bị rối loạn di truyền, Rh không tương thích hay bất cứ một dấu hiệu nào đó cho thấy sự bất ổn định của thai kỳ thì các bác sĩ sẽ khuyên tiến hành xét nghiệm chọc ối.

Chọc ối là dùng kim chọc vào khoang ối dưới hướng dẫn của siêu âm. Trong nước ối đó có những tế bào của em bé, do em bé đái ra và có những tế bào từ niêm mạc má bong tróc ra. Sau đó bác sĩ sẽ lấy dịch ối đó để làm xét nghiệm. Nhờ có phương pháp này, khả năng phát hiện dị tật thai nhi như về các rối loạn nhiễm sắc thể trong quá trình phát triển của thai nhi, điển hình là hội chứng Down là tương đối chính xác.

4. Bị tiểu đường khi đang mang thai

Đái tháo đường trong thời gian mang thai là một loại bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Bệnh này xảy ra khi các hormone từ nhau thai làm rối loạn việc sản sinh insulin ở người mẹ. Bạn được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường nếu cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin, hay các tế bào của bạn không thể sử dụng được nó.

Khoảng 18% phụ nữ khi mang sẽ mắc bệnh tiểu đường thai kì. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tiểu đường lúc mang thai như thừa cân, béo phì, bà mẹ lớn tuổi khi mang thai (trên 35 tuổi), gia đình hay bản thân có tiền sử bị tiểu đường. Nếu không kiểm soát kỹ, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bé, như gây sẩy thai, thai bị suy hô hấp, tăng dị tạt bẩm sinh, bị vàng da, thậm chí có thể bị chết đột ngột do lượng đường quá cao...Vì thế các kiểm tra đường huyết trong giai đoạn từ 24 - 28 tuần thai là rất cần thiết.

Khoảng 18% phụ nữ khi mang sẽ mắc bệnh tiểu đường thai kì (Ảnh minh họa)

5. Rạch tầng sinh môn

Khi phụ nữ sinh con, theo tự nhiên, âm đạo sẽ tự động mở rộng các lớp cơ ở giữa để cơ thể thai nhi dễ dàng chui qua. Tuy nhiên, mặc dù âm đạo của mẹ bầu đã tự động giãn ra theo sinh lý bình thường nhưng việc sinh nở khi đó vẫn còn rất khó khăn. Trong thực tế lúc chào đời, đường kính đầu em bé thông thường sẽ vào khoảng 10cm.

Để việc sinh thường được diễn ra suôn sẻ hơn, các nữ hộ sinh thường sẽ rạch một đường nhỏ trên tầng sinh môn. Thông thường vết cắt tầng sinh môn không quá to, một số phụ nữ thuộc dạng dễ đẻ, đẻ rơi thậm chí còn không cần phải rạch.

6. Bị nám da

Nám da là vấn đề thường gặp ở các bà bầu, gây nhiều phiền toái cho chị em. Nám da, hay mặt nạ thai kỳ xuất hiện do do sự thay đổi hormone trong cơ thể làm rối loạn sắc tố da. Estrogen tăng cao kích thích sự sản xuất melanin dư thừa hình thành nên nám. Tình hình này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời. Thông thường những vết nám hay tập trung ở phần má và trán khiến mẹ bầu mất tự tin.

Vì thế để hạn chế tình trạng này, các mẹ bầu hãy bổ sung vào thành phần ăn uống của mình các thực phẩm dồi dào axit folic (rau có màu xanh thẫm, cam, bánh mì, ngũ cốc....); uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin A, C, E...

Nám da là vấn đề thường gặp ở các bà bầu, gây nhiều phiền toái cho chị em (Ảnh minh họa)

7. Sa sinh dục

Sa sinh dục là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những chị em trải qua nhiều lần sinh nở, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật. Sau mỗi lần sinh nở đáy chậu không còn bền chắc như trước. Đặc biệt những người có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó càng dễ bị sa sinh dục. Những người đi làm quá sớm sau khi sinh cũng có nguy cơ bị sa sinh dục cao.

Chính vì thế, để phòng tránh bệnh này phụ nữ nên sinh nở ít, chỉ nên có từ 1 đến 2 con và nên sinh đẻ trong độ tuổi 22 - 29. Đặc biệt sau khi sinh nở, cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại.

8. Nhau tiền đạo

Nhau thai là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Thông thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau đáy tử cung. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhau thai nằm thấp một cách bất thường, bánh nhau che một phần hoặc che kín toàn bộ cổ tử cung. Trường hợp này được gọi là nhau tiền đạo. Vấn đề này thường gây khó khăn và nguy hiểm cho quá trình chuyển dạ.

Tình trạng này hay xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, được chuẩn đoán bằng cách siêu âm trước khi sinh. Dấu hiệu sớm của nhau tiền đạo là nhiều đợt ra máu đỏ tươi sau quan hệ tình dục. Nếu phát hiện nhau tiền đạo, người mẹ sẽ được khuyên nằm tịnh dưỡng cho đến tuần 37, và sau đó thường phải sinh mổ.

 

Theo NNM (listverse) (Khám phá)