'Mỗi khi ba mẹ xưng mày - tao với em và các chị, em buồn lắm!', câu nói của bé gái hàng xóm đã khiến tôi thắc mắc rằng cớ sao các bậc làm cha làm mẹ lại phải xưng hô mày - tao với con cái?.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Tôi còn nhớ như in hồi tôi học lớp 2, trong một lần tức giận, mẹ đã mắng tôi: "Từ sau, mày mà không chịu giúp anh, tao đuổi hai anh em mày ra khỏi nhà". Hai từ "mày - tao" bỗng dưng khiến tôi chạnh lòng vô cùng và còn trộm nghĩ "hay mình chỉ là con nuôi của mẹ thôi?!".
Tôi cũng không biết lúc đó động lực nào đã khiến đứa con gái nhút nhát như tôi lại có thể ngang ngược dám đáp trả lại mẹ. "Nếu mẹ còn nói mày - tao với con, con sẽ giận mẹ", tôi nói xong và quay mặt đi vào nhà.
Hẳn nhiều người sẽ cho rằng mẹ tôi sẽ quay sang mắng quát tôi vì tội láo xược ấy. Nhưng không, câu nói của tôi đã làm mẹ tôi thay đổi hoàn toàn. Mẹ không còn xưng hô "mày - tao" như trước, thay vào đó là "mẹ - con". Dù có những lúc bị mẹ mắng, mắng rất nhiều nhưng là "mẹ" mắng "con", àm tôi không còn ấm ức như trước.
Không chỉ mẹ, mà về sau, bố tôi cũng như các anh chị em trong gia đình dường như cũng xóa sổ hai từ "mày - tao" trong cách xưng hô với con cái, anh em.
Tôi không biết các ông bố bà mẹ có suy nghĩ gì khi dùng hai từ mày - tao với con cái. Tôi cũng không biết liệu họ có quan tâm tới cảm xúc của con cái khi chúng lại bị chính bố mẹ mình gán cho cái cách gọi là "mày" mà theo chúng "chỉ có bạn bè thì mới có thể nói như vậy".
Cô bé hàng xóm năm nay học lớp 2 là người bạn nhỏ thân thiết với tôi từ ngày tôi chuyển lên thành phố sinh sống. Tôi cũng chứng kiến không ít lần cô bé bị ba mẹ quát nạt bằng kiểu "mày - tao" và sau đó là tiếng khóc thút thít của cô bé ở góc nhà.
Có lần, tỉ tê với tôi về ba mẹ của mình, cô bé nói: "Mỗi lần ba mẹ xưng mày- tao với em và các chị, em buồn lắm!".
Tôi liền hỏi lại: "Thế em có thích ba mẹ gọi là mẹ - con hay là ba - con không?".
Cô bé đáp liền: "Có chứ ạ. Nếu gọi mẹ - con thì rất tình cảm, còn gọi mày - tao giống như là ghét nhau".
Có lẽ trong suy nghĩ của đứa trẻ, cách xưng hô của người lớn chính là thước đo tình cảm mà người đó dành cho chúng. Chúng sẽ thắc mắc tại sao trên lớp chúng được cô giáo gọi là "con" thì về nhà lại trở thành "mày" trong mắt bố mẹ. Và tôi tin chắc nhiều đứa trẻ bị ám ảnh bởi cách xưng hô của bố mẹ chúng.
Có người sẽ cho rằng bố mẹ xưng hô với con cái thế nào không quan trọng mà quan trọng hơn là tình cảm, là sự ân cần của những đấng sinh thành muốn dành cho con cái họ. Xin thưa, nếu đổi cách xưng hô từ mày - tao sang mẹ/bố -con thì có lẽ con cái của họ sẽ sớm cảm nhận được mọi điều bạn dành cho chúng hơn.
Tôi nghĩ, sẽ có ông bố bà mẹ biện minh rằng "tôi chỉ xưng mày - tao với con cái khi tôi bực tức thôi". Thế nhưng, nếu họ kiềm chế lại một chút để đổi cách gọi mày - tao thành mẹ - con hay bố - con thì tôi tin sự bực tức trong họ sẽ được giảm nhiệt. Để ý đến cách xưng hô với con cái ngay cả khi tức giận nhất không phải là điều dễ làm, nhưng đó cũng là cách để mỗi ông bố bà mẹ tự kiểm soát những cơn sân si thịnh nộ không có lợi, phát tiết từ bên trong mình. Như vậy cũng tốt mà, đúng không?
Tôi thầm nghĩ nếu tiếng Việt của mình cũng chỉ có hai ngôi là ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai như trong tiếng Anh (I - tôi và You - bạn) thì có lẽ trong cuộc sống này đã bớt cay nghiệt phần nào.
Nếu ông bố bà mẹ nào vẫn còn "mày - tao" với con cái, xin hãy thay đổi...
Theo PNO