Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các cô cần kiên nhẫn và yêu thương trẻ hơn


Liên quan đến vấn đề trẻ mầm non bị cô giáo bạo hành đang làm xôn xao dư luận những ngày qua, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện cùng cô Nguyễn Thị Hồng Vân - giảng viên khoa Giáo dục Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.


Cô Nguyễn Thị Hồng Vân - giảng viên khoa Giáo dục Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.


Xin chào cô, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều clip trẻ mầm non bị cô giáo bạo hành như nhét dẻ vào miệng hay sai bạn cùng lớp đánh khi trẻ không chịu ăn, vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc cô giáo mầm non bạo hành trẻ là gì, thưa cô?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ mầm non bị bạo hành. Trước tiên, nếu muốn là cô giáo mầm non, các cô cần phải có tâm, có trách nhiệm và tình yêu đối với trẻ nhỏ. Đôi khi, các cô còn phải yêu thương trẻ bằng cả tấm lòng, bởi lẽ chúng còn non nớt, cần được chăm sóc, bảo vệ. Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non đã có những quy định rõ ràng trong giao tiếp và ứng xử với trẻ nhỏ.


Cụ thể như học phần "nghề giáo viên mầm non" giúp sinh viên có hiểu biết chung về nghề, nhiệm vụ của người giáo viên, về những kĩ năng và một trong những điều không thể thiếu mà giáo viên cần là kĩ năng giao tiếp, ứng xử.


Bởi lẽ, giáo viên mầm non phải giao tiếp với nhiều người như phụ huynh, đồng nghiệp, cấp trên và quan trọng nhất là với trẻ ở lứa tuổi mầm non. Tất cả những điều đó đều quy định trong các nguyên tắc cụ thể như:


Đầu tiên là nguyên tắc yêu thương trẻ như con em mình: Nguyên tắc này chỉ rõ nếu trẻ ương bướng, không nghe lời thì cô giáo cần kiên nhẫn, phải tìm lí do mà trẻ lại ương bướng, không chịu ăn, không nghe lời cô. Có thể do chưa quen lớp nên sợ không dám nói, có thể ở nhà con rất được chiều chuộng, thích làm theo ý mình.


Từ nguyên nhân ấy, các cô sẽ có cách giải quyết khác nhau, nếu trẻ được chiều chuộng nên ương bướng thì cô sẽ kết hợp cùng phụ huynh giáo dục trẻ cả ở lớp và ở nhà. Trong trường hợp trẻ nhút nhát, chưa dám nói thì cô giáo chính là người giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, bình tĩnh và quan trọng là tạo ra sự gần gũi để trẻ thoải mái vui chơi .


Bằng những cách khác nhau, giáo viên phải là người tạo ra không khí đầm ấm của một gia đình, tạo ra sự gần gũi, thân thương giữa cô và trò thì ngay lập tức trẻ sẽ rất hào hứng khi được đến trường.


Thứ hai, giáo viên phải làm việc bằng cả cái tâm, bằng cả tấm lòng, mong muốn làm những điều tốt nhất cho các con, dù có bất kì tình huống như thế nào cũng phải kiên nhẫn, yêu thương tạo điều kiện cho các con phát triển tốt nhất. Bởi lẽ, giáo viên mầm non là một nghề rất đặc thù, đối tượng của các cô là các con rất non nớt, ngây thơ chưa ý thức được hành động vì thế nếu cô không làm việc từ cái tâm tốt thì khó có thể gần gũi và yêu thương các con.


Thứ ba là nguyên tắc thỏa mãn hợp lí các nhu cầu của trẻ, nếu nhu cầu được thỏa mãn sẽ tạo ra nhu cầu mới và đó cũng là động lực mạnh để trẻ tham gia hoạt động của trường mầm non, các con có nhu cầu về thể chất, được ăn uống, mặc ấm, được giao tiếp với bạn bè... Giáo viên mầm non phải hiểu nhu cầu ấy và đáp ứng cho trẻ.


Thứ tư, giáo viên luôn phải giao tiếp ứng xử với trẻ bằng hành vi, cử chỉ nhẹ nhàng và thái độ cởi mở, vui tươi. Bởi lẽ, khi giáo viên nhẹ nhàng thì rất dễ gần gũi được các con, có gì con e dè chưa dám nói thì bằng cử chỉ các con sẽ rất tự nhiên để đến với cô, các con mới mạnh dạn, hồn nhiên và tích cực tham gia các hoạt động cô tổ chức. Có thế mới không còn khoảng cách xa lạ giữa cô và trò, cô yêu trò như conm trò gần cô như mẹ. Lúc ấy, nhà trường đã trở thành gia đình lớn để trẻ có thể thoải mái vui chơi, cười đùa.


Thứ năm, nguyên tắc vừa dạy, vừa dỗ. Đặc thù của lớp mầm non là phải dỗ để dạy vì các con vẫn chưa ý thức được hành động của mình. Con khóc dỗ để con nín, con rụt rè, nhút nhát phải dỗ cho con mạnh dạn hơn, con ương bướng cô cũng phải dỗ.


Để xảy ra các sự việc bạo hành trẻ lỗi chính là do người giáo viên chưa biết cách cư xử đúng mực và kĩ năng sư phạm yếu. Tuy nhiên, là một giảng viên lâu năm tại khoa giáo dục mầm non tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tôi rất chia sẻ với những khó khăn và áp lực của cô giáo mầm non.


Bởi lẽ, công việc của cô rất nhiều, số trẻ trong lớp đông, mỗi con lại một tính tình khác nhau nên các cô cũng áp lực. Tuy nhiên, tôi vẫn nói với sinh viên của mình: "Dù có áp lực như thế nào chỉ cần coi trẻ như con, hết lòng yêu thương chúng thì mọi áp lực đều có thể vượt qua, mọi chuyện đều có thể giải quyết".


Theo cô, phẩm chất mà một giáo viên mầm non cần phải có là gì?
Phẩm chất mà giáo viên mầm non không thể thiếu đó là: Trách nhiệm đối với công việc bởi các con chưa ý thức được hành vi cũng như hành động của mình nên giáo viên luôn phải quan sát, chăm lo cho các con.


Ngoài ra, người giáo viên cũng cần trung thực, ứng xử chuẩn mực để các con lấy đó là tấm gương.


Hơn nữa, trong thái độ giáo viên cũng cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng với các con. Tôi cũng hay chia sẻ với sinh viên: "Tình yêu thương là thứ chúng ta cho đi mà không cần nhận lại. Chỉ có tình yêu thương mới rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và trẻ để lớp học thực sự mang hơi ấm của gia đình".


Hầu hết các vụ bạo hành nguyên nhân do các bé không chịu ăn, vậy theo cô, có cách nào dể dỗ trẻ ăn mà không dùng bạo hành?
Thực trạng hiện nay là trẻ con rất lười ăn, chúng cũng không có nhu cầu ăn chính vì thế mà cô giáo phải dọa dẫm hay đút chúng mới ăn. Theo như kinh nghiệm của mình: Trẻ có tiêu hao năng lượng thì mới có nhu cầu ăn. Cách để dỗ trẻ ăn là cho trẻ tham gia vào các hoạt động, các con được vận động, được nhún nhảy, lắc lư vừa giúp trẻ khỏe khoắn lại giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.


Khi tiêu hao năng lượng trẻ sẽ thấy đói, lúc này các cô chỉ nhắc nhẹ nhàng là các con tự xúc ăn. Hơn nữa, giáo viên với nét mặt dịu dàng, cử chỉ âu yếm động viên các con, xúc cho các con ăn một vài thìa đầu thì tự các con sẽ ăn ngon miệng. Ngoài ra, có thể cho các con ngồi xen kẽ với các bạn ăn ngoan, tự xúc thì con cũng cầm thìa tự xúc, có thể lúc đầu xúc hơi ít. Dần dần, các con sẽ tự xúc được. Tuy nhiên, đây là cả quá trình, các cô phải thực sự hiểu đứa trẻ mới có thể làm được.


Giáo dục mầm non ở Việt Nam có đặc thù khá khác lạ, các cô giáo luôn mặc định đến giờ ăn là các con phải ăn hai bát, ốm hay khỏe, thích hay không cũng phải hai bát nên dẫn tới hiện tượng nhồi nhét bắt các con phải ăn. Thực ra, việc ép các con ăn cũng xuất phát từ cái tâm tốt của giáo viên nhưng vấn đề là cách thức các cô ép con ăn như thế nào.


Trẻ không muốn ăn thì các cô cố gắng nhồi nhét khiến các con khóc rồi nước mắt, nước mũi trào ra. Hơn nữa, lại sắp đến kì khám sức khỏe, các con mà giảm cân thì các cô cũng lo nên các cô bị áp lực. Đó cũng là nguyên nhân mà các cô luôn cố gắng ép trẻ ăn.


Cô có suy nghĩ gì về trường hợp cô giáo ra lệnh cho bạn cùng lớp đánh khi trẻ không chịu ăn khiến dư luận xôn xao?
Thực ra, làm như vậy là cô giáo thiếu phương pháp, các con ở độ tuổi hồn nhiên, khi mình yêu cầu con đánh bạn sẽ vô tình làm cho đứa trẻ thấy mình có quyền, quan trọng với cô và từ lần sau tự cho mình quyền được đánh bạn, vô tình làm ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách sau này của trẻ. Hành động cô ra lệnh cho trẻ đánh bạn là sai trái, cô không được phép làm thế. Trong trường hợp trẻ không chịu ăn, người giáo viênphải sử dụng kĩ năng sư phạm của mình để giải quyết tình huống chứ không thể để cháu này đánh cháu kia.


Theo cô, làm sao để cha mẹ biết con mình bị bạo hành khi tới trường?
Dựa vào bản năng của người mẹ cũng có thể dễ dàng nhận ra con mình có bị bạo hành hay không. Khi các con đi học với thái độ vui vẻ, hồn nhiên, về nhà thao thao bất tuyệt hào hứng kể chuyện ở lớp thì đó là tín hiệu đáng mừng vì con mình không bị bạo hành.


Nếu bị bạo hành các con cũng sẽ có những phản ứng rất rõ ràng: Có thể đêm ngủ các con hay giật mình, hay nói mơ chuyện ở lớp hay khóc thét khi mẹ đưa đi học. Có những dấu hiệu đó thì các mẹ cũng nên dành thời gian trao đổi với cô giáo.


Các mẹ cũng nên theo sát, trò chuyện với con nhiều hơn. Đặc biệt, bọn trẻ rất thích chơi đóng vai nhân vật, những gì diễn ra quanh cuộc sống nó sẽ thể hiện rất rõ trong vai mà nó đóng. Ví như, về nhà con có thể xếp gấu bông và chơi trò cô giáo: Nếu ở lớp, cô ân cần, dịu dàng, xoa đầu hay ôm các con thì con cũng diễn lại y như thế và nếu cô quát mắng hay đánh thì nó cũng làm y nhưu thế. Như vậy, thông qua trò chơi của con các mẹ có thể biết ở lớp con được đối xử như thế nào.


Làm sao để tìm cho con một ngôi trường không bạo hành thưa cô?
Có rất nhiều cách, các mẹ có thể thông qua người thân quen đã từng cho con học ở trường đó rồi kể lại, có thể vào các trang web của trường đó để xem phản hồi của các phụ huynh và điều quan trọng là các mẹ cần dẫn con đến ngôi trường ấy xem con khi chơi con có thích thú không, thậm chí ban giám hiệu nhà trường, trò chuyện với cô giáo và bằng kinh nghiệm mẹ có thể biết cô giáo có thực tâm chăm sóc cho trẻ hay không. Trẻ rất nhạy cảm, đến một ngôi trường nó thích thú, nó say mê chơi thì đó là ngôi trường có thể học được, còn đến một ngôi trường mà trẻ sợ hãi, chùn bước thì mẹ cũng nên xem xét.


Phụ huynh cần có ý thức bảo vệ con mình, nếu thấy có vấn đề bất thường cần phải trao đổi ngay với cô giáo chứ không nên im lặng để vấn đề kéo dài. Tuy nhiên, khi phụ huynh có ý kiến cũng cần khéo léo, tinh tế. Bên cạnh đó, khi làm việc giáo viên nên đặt mình vào vai trò của phụ huynh và ngược lại để giữa phụ huynh và giáo viên có sự tương tác, thấu hiểu lẫn nhau nhằm tạo môi trường tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện.


Cảm ơn sự chia sẻ từ cô!


Nguồn "nguoiduatin.vn"