Liên tiếp những ngày qua, dư luận cả nước bày tỏ sự quan tâm, phẫn nộ trước hàng loạt vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ ngay trong khuôn viên lớp học. Điều đáng nói là có đến hai trong số những trường hợp vừa bị phanh phui đó do phụ huynh phát giác thông qua camera giám sát của nhà trường.
Trường hợp đầu là vụ của bé Cù Hoàng Phi Long (14 tháng tuổi) đang theo học tại Trường Mầm non Sơn Ca (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Trưa 5-10-2015, nhờ theo dõi qua camera quan sát, mẹ cháu vô tình phát hiện con mình bị các cô giáo trói chân tay, nhét giẻ vào miệng và lấy muỗng inox đánh vào người khiến cơ thể cháu xuất hiện nhiều vết bầm lớn. Sau đó vài ngày, trên trang facebook cá nhân của một phụ huynh có con đang học một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Hà Nội đăng tải một đoạn video clip ghi lại cảnh con mình bị cô giáo đánh liên tục vào má, dùng hai tay lắc mạnh đầu khi bé không chịu ăn. Ngay lập tức, hình ảnh này một lần nữa thổi bùng lên lo lắng của rất nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non.
Liên tiếp những câu hỏi được đặt ra như: "Có camera giám sát mà các cô còn hành hạ trẻ như thế, không biết những nơi không có camera trẻ phải chịu những trò tra tấn thế nào?" hay "Vì sao trường X., lớp Y. không có camera giám sát để phụ huynh có thể yên tâm việc ăn, ngủ của con ở trường?". Vấn đề được đặt ra là có hay không sự cần thiết lắp đặt camera trong trường học? Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ đối với phụ huynh có con đang học mầm non trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy có đến hơn 80% người được hỏi đồng tình với ý kiến "dù trường học có gắn camera, phụ huynh vẫn không dám chắc con mình có bị bạo hành ở trường hay không".
Thực tế đã chứng minh nhiều trường học có gắn camera nhưng giáo viên vẫn có thể "lách" bằng cách dẫn học sinh vào nhà vệ sinh hoặc đưa các em đến những góc khuất như gầm cầu thang, tủ đồ bên ngoài lớp học khiến camera không thể nào ghi lại được. Ngoài ra, không phải phụ huynh nào cũng có thể dành ra mỗi ngày 8 giờ quan sát camera nên nguy cơ "bỏ người, lọt tội" vẫn rất cao. Đó là chưa kể trong vài trường hợp, vì để cứu lấy danh tiếng nhà trường, ban giám hiệu sẽ chỉnh sửa, cắt ghép clip khiến phụ huynh không có bằng chứng tố giác sai trái của giáo viên. Bên cạnh đó, một số thao tác thường ngày của giáo viên mầm non như thay đồ cho bé, lau miệng, đút ăn... nếu chỉ quan sát từ trên cao xuống sẽ khó phát hiện việc cô mạnh tay hay cố ý làm đau bé.
Minh chứng rõ hơn điều này là trường hợp Trường Mầm non K.W (quận Gò Vấp TPHCM), vốn là trường hoạt động theo mô hình quốc tế, kết hợp giữa chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT và học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường thêm các chủ đề bồi dưỡng kỹ năng sống. Chị Nguyễn Tâm, phụ huynh có con đang học tại đây cho biết, tất cả lớp học trong trường đều có gắn camera, nhưng chủ yếu để ban giám hiệu quan sát, theo dõi tình hình các lớp chứ không phổ biến cho phụ huynh. Chỉ trong một số tình huống quan trọng, cần kiểm chứng đúng - sai, phụ huynh mới được cho xem những đoạn ghi hình này. "Đây là cách làm rất hay vì vừa có thể kiểm soát hành động của giáo viên ở lớp vừa giúp họ không bị quá nhiều áp lực về mặt tâm lý, kịp thời điều chỉnh hành vi của mình trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn", chị Tâm cho biết. Nhiều năm qua, dù là một trong số những trường tư thục hiếm hoi của TPHCM không chạy theo phong trào "giám sát giáo viên qua camera" nhưng phụ huynh vẫn yên tâm về chất lượng chăm sóc, chưa để xảy ra trường hợp khiếu kiện hay bức xúc nào.
Qua đó cho thấy camera giám sát thật ra chỉ có tác dụng về mặt tâm lý đối với phụ huynh, còn lại đa phần vẫn phụ thuộc vào cái tâm của giáo viên và sự quan tâm, sâu sát của ban giám hiệu.
Theo nguồn tamnhin.net