Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách an ninh lương thực, Việt Nam đã cơ bản giải quyết được nạn đói, giảm được tỉ lệ người thiếu đói từ 48,3% (31,3 triệu người) năm 1992 xuống còn 5,8% (5,2 triệu người) năm 2014.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn phải đương đầu với một nạn "đói" khác về chất lượng dinh dưỡng, dẫn đến một gánh nặng kép: Một mặt là tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ với tỷ lệ tương đối cao, nhất là ở các vùng sâu, xa, và những vùng hay gặp thiên tai; mặt khác tình trạng thừa dinh dưỡng biểu hiện bằng thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, ung thư... đang gia tăng rất nhanh, nhất là ở các vùng đô thị.
Đó là xuất phát điểm cho một cuộc hội thảo quốc tế về "Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam" do Bộ Y tế tổ chức sáng 5/10, tại Hà Nội.
Hội thảo này là khởi đầu thực hiện một dự án của Chính phủ, có niên hạn từ 2015-2016, về vấn đề này. Dự án được triển khai sau đúng 1 tuần Việt Nam cùng 193 nước thông qua các mục tiêu phát triển bền vững nằm chấm dứt đói nghèo vào năm 2030. Chính phủ Tây Ban Nha đã hỗ trợ 1,5 triệu đô la Mỹ cho VN để thực hiện dự án này.
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự án sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình của Chiến lược An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Đối tượng được hưởng lợi chủ yếu là 36 triệu phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và 7,1 triệu trẻ trai và trẻ gái dưới 5 tuổi sẽ được hưởng lợi từ tác động của sự thay đổi chính sách và thực thi pháp luật.
Các hoạt động của dự án sẽ tập trung vào cải thiện kỹ năng của các cán bộ y tế trong việc tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ, cung cấp thực phẩm bổ sung, tăng cường thực hiện bệnh viện Bạn hữu trẻ em và cộng đồng Bạn hữu trẻ em; cải thiện việc bổ sung vi chất dinh dưỡng bao gồm vitamin A, iốt và sắt cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi; triển khai các mô hình cải thiện sản xuất lương thực, thực phẩm phù hợp với mô hình canh tác tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình. Dự án tập trung tại 2 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lào Cai và Ninh Thuận.
Theo Giadinh&Xahoi