Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kinh nghiệm quý thực hiện xã hội hóa giáo dục tại trường mầm non


Cô Phạm Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường mầm non Hải Châu (Hải Hậu, Nam Định) - chia sẻ kinh nghiệm thực hiện xã hội hoá giáo dục có hiệu quả, tránh những sai lầm, hướng đi tiêu cực.


Cô trò trường mầm non Hải Châu trong Ngày hội đến trường của bé.


Bài học về tuyên truyền
Ngoài việc chủ động, tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá vô cùng quan trọng.


Cô Phạm Thị Ngọc cho biết: Ngay từ đầu năm học, tôi đã tham mưu với UBND xã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xã hội hóa giáo dục (XHHGD), phân công từng thành viên BCĐ trong mạng lưới tuyên truyền, bao gồm: Cán bộ giáo viên trường mầm non, tiểu học, THCS; Hội phụ nữ, Trạm Y tế, hệ thống phát thanh xã, thôn...


Mỗi người một nhiệm vụ, soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, theo chuyên đề, định kỳ thời gian tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, hoặc đến tận các gia đình, các tập thể để tuyên truyền, khích lệ tinh thần tự giác, chủ động và tích cực của cộng đồng trong công tác XHHGD.


Hàng tháng nhà trường đều có bài viết được phát trên đài truyền thanh của xã với nội dung đa dạng: Tuyên truyền về các ngày lễ, ngày hội được tổ chức tại trường, tuyên truyền về cách phòng tránh một số bênh dịch theo mùa, hướng dẫn cho mẹ nuôi con khoa học, các gương điển hình trong công tác xã hội hóa giáo dục ở trường mầm non...
Đây là một kênh thông tin quan trọng, góp phần chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân đối với công tác XHHGD.


Làm tốt công tác với Hội cha mẹ học sinh
Để phụ huynh tin tưởng, phối kết hợp cùng nhà trường trong các hoạt động giáo dục, cô Phạm Thị Ngọc cho biết mình đã tiến hành công tác tuyên truyền với nhiều hình thức:


Xây dựng bảng tin "Các bậc cha mẹ cần biết" ngay tại cổng trường nơi mà phụ huynh dễ dàng nhìn thấy, để phổ biến kiến thức và kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ, thường xuyên thay đổi nội dung, cập nhật thông tin liên tục, biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ với mọi người, hình thức đa dạng, hấp dẫn.


Đối với các lớp, yêu cầu phải có góc tuyên truyền với phụ huynh, giáo viên thường xuyên trao đổi thông tin về trẻ với phụ huynh cho họ biết các chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của nhà trường, những việc phụ huynh cần làm ngay trong các giờ đón, trả trẻ. Thiết lập kênh thông tin hai chiều để kịp thời có biện pháp chăm sóc - giáo dục trẻ hiệu quả.


Nhà trường còn có "Hòm thư góp ý" đặt ngay tại chân cầu thang 2/2 điểm trường để các bậc phụ huynh thuận tiện tham gia đóng góp ý kiến với nhà trường.


Ngoài những hình thức trên, cô Phạm Thị Ngọc còn phối kết hợp đa dạng, phong phú các hình thức nhằm nâng cao nhận thức về xã hội hoá giáo dục cũng như xây dựng mối quan hệ với phụ huynh học sinh như: Gửi sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình, tổ chức các cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm và cuối năm; sinh hoạt định kỳ với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh.


Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội
Với nội dung này, cô Phạm Thị Ngọc cho biết đã thực hiện xã hội hóa giáo dục với nhiều biện pháp và tranh thủ nguồn lực ủng hộ từ nhiều phía.


Với Phòng GD&ĐT: Tham mưu và đưa ra các quyết định về kế hoạch phát triển của nhà trường, chính sách phát triển giáo dục của địa phương, những chính sách cho giáo viên. Đánh giá một cách cụ thể và chính xác tính khả thi của những kế hoạch cần tham mưu, từ đó có biện pháp tham mưu kịp thời, đúng đắn và đầy đủ, mang lại hiệu quả thiết thực.


Kết hợp với Trạm y tế xã: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho trẻ, uống Vitamin, tiêm Vacxin phòng bệnh theo lịch.


Kết hợp với Uỷ ban dân số - Gia đình và trẻ em: Kịp thời huy động số lượng trẻ đến trường đảm bảo theo chương trình phổ cập giáo dục, theo dõi hoàn cảnh của mỗi gia đình có con em đi học mầm non.


Kết hợp với Hội phụ nữ xã: Tuyên truyền vận động gia đình cho trẻ đến trường, tuyên truyền các kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ, tham gia hội thi nuôi dạy con tốt.


Kết hợp với Hội khuyến học xã: Huy động nguồn kinh phí để khen thưởng, động viên, khích lệ giáo viên và học sinh trong các kỳ thi giáo viên giỏi, những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Giúp giáo viên có thêm động lực và nhiệt tình hơn trong công tác.


Kết hợp với Hội Cựu chiến binh xã: Giúp nhà trường trong việc chăm sóc vườn trường, trồng cây, xây dựng cảnh quan môi trường, vận động các lực lượng xã hội khác cùng tham gia chăm sóc giáo dục trẻ.


Kết hợp với Đoàn thanh niên xã: Tham gia phong trào "Chủ nhật xanh" giúp nhà trường vệ sinh trường, lớp, làm cỏ, chăm sóc cây xanh vào mỗi chủ nhật góp phần xây dựng phong trào "Trường học xanh - sạch - đẹp".


Kết hợp với Mặt trận Tổ quốc: Phối hợp với nhà trường thực hiện tốt công cuộc XHHGD. Tranh thủ sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc để lôi kéo, thu hút xã hội cùng tham gia vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nhà trường...


Kết hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí: Tích cực tuyên truyền, xây dựng hình ảnh và quảng bá hình ảnh của nhà trường.


Kết hợp với trường tiểu học: Giúp trẻ mẫu giáo 5 tuổi làm quen với môi trường học tập mới, tạo sự quan tâm giúp đỡ của học sinh lớn đối với các em nhỏ.


Kết hợp với các cơ sở sản xuất - kinh doanh như cơ sở làm mộc, làng nghề truyền thống của địa phương: Tạo điều kiện để các cô giáo trong nhà trường đưa trẻ đến tham quan tại các cơ sở sản xuất. Giúp trẻ tìm hiểu về đặc điểm của các ngành nghề trong xã hội và các ngành nghề khác của địa phương.


Tạo động lực huy động tiềm năng của cộng đồng
Theo cô Phạm Thị Ngọc, để tạo được bước đột phá trong việc huy động sự tham gia ủng hộ của cộng đồng với công tác XHHGD, cần tăng cường tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua, các ngày lễ ngày hội, có sự chứng kiến, tham gia trực tiếp của cộng đồng, tạo cơ hội để cộng đồng thể hiện sự quan tâm của mình đến sự nghiệp giáo dục của trường mầm non.


Ví dụ, tổ chức các chương trình "Ngày hội đến trường của bé"; "Tháng hành động vì trẻ em"; "Tết trung thu"; "Quốc tế thiếu nhi 1/6"... Tuyên truyền các bậc cha mẹ nuôi con khoa học, quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và tạo điều kiện tốt nhất có thể cho con em học tập vui chơi, có trách nhiệm cùng nhà trường chăm sóc nuôi dạy con tốt...


Huy động sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể, cá nhân

Để làm được điều này, cần tranh thủ những mối quan hệ, tìm hiểu về các đối tác để có cơ hội trao đổi với họ về kế hoạch phát triển của nhà trường thông qua đó kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ.


Không chỉ huy động về tài chính, vật lực, có thể tập trung huy động sức người, nguồn nhân lực rất nhiệt tình tham gia vào công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường từ các đoàn hội.


Song song với việc tập trung đa dạng hóa các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường thì việc quản lí, sử dụng nguồn kinh phí một cách hợp lí, tiết kiệm và hiệu quả là điều vô cùng quan trọng.


"Để chủ động và có định hướng trong công việc, ngay từ đầu năm học cần lên kế hoạch thành lập ban chỉ đạo XHHGD xã hội hóa giáo dục gồm các thành viên trong ban giám hiệu, đại diện các tổ chức chính trị trong nhà trường: Công đoàn, đoàn TNCS, tổ chuyên môn, ban đại diện cha mẹ học sinh...; phân công nhiệm vụ cụ thể dựa vào điều kiện, năng lực, sở trường của từng người..." - Cô Phạm Thị Ngọc


Theo GD&TĐ